Từ khóa
Danh mục
Lượt xem: 216

11-01-2017 21:51

 

Tôi sống được cho đến ngày hôm nay, chính là nhờ... Hổ? Mẹ tôi bảo thế.

Rượu cao hổ cốt đã cứu tôi

Số là vào cuối năm 1956, khi ấy mới lẫm chẫm biết đi, thì một hôm, tôi bị sốt cao và bố mẹ tôi hoảng hồn khi thấy người tôi cứ mềm dần, mềm dần và chỉ  sau ba ngày là nằm bất động và chỉ ngúc ngắc được mỗi cái đầu.

Bố mẹ mang tôi vào Bệnh viện Bạch Mai và lúc này mới biết miền Bắc đang có trận dịch bại liệt. Bệnh viện Bạch Mai chật như nêm, và bị bại liệt hầu hết là trẻ con loại tuổi như tôi. Mỗi giường bệnh có khi phải để ba đứa trẻ nằm, còn bố mẹ đi chăm con thì nằm vạ vật dưới nền nhà hay ngoài hành lang.

Các bác sĩ đã  bẻ gập người tôi xuống và chọc kim vào lấy nước tủy sống đem đi xét nghiệm và  kết luận rằng tôi bị bại liệt toàn thân và là đứa bị nặng nhất trong khoảng 500 trẻ đang bị bại liệt nằm ở Bệnh viện Bạch Mai. Tình thế lúc này thật là tuyệt vọng. Giá như bị liệt chân hoặc tay thì còn khả dĩ làm người được, đằng này tôi chỉ nằm, hai mắt mở thao láo.

Các bác sĩ thì khẳng định rằng trường hợp như tôi thì không còn cách nào cứu được, nếu có sống thì cũng chỉ là một cục thịt mà thôi? Và cũng đã có người khuyên bố tôi (Nhà văn Hoài An, khi đó là phóng viên báo Quân đội nhân dân - TG) là đưa tôi về nhà và đành chịu tội với Giời bằng cách cho tôi một liều thuốc ngủ để... đi cho nhẹ! Chứ nếu để thế này, kẻ bị bệnh đã khổ mà người sống lại còn khổ hơn.

Nhưng lại cũng có một vị bác sĩ bảo rằng chữa bại liệt bằng thuốc tây y là không được, mà chỉ có đông y thì may ra có thể cứu được phần nào. Nghe thế, bố mẹ tôi như người ngủ mê sực tỉnh và chạy lên ông ngoại tôi là nhà văn - lương y Nguyễn Tử Siêu, ở số 8 phố Yên Phụ.

Rượu cao hổ cốt

Tác giả và ông Pờ Xì Tài sau 21 năm gặp lại (tháng11/2005)

Nghe bố mẹ tôi kể xong, ông ngoại tôi bảo phải đưa tôi về, trước mắt, lấy thân cây sắn dây đun nước và cho tôi ngâm hàng ngày. Còn thứ thuốc duy nhất có thể cứu được tôi là phải có cao hổ cốt loại tốt.

Nghe nói thế, bố tôi như trút được một phần nỗi lo và ông chuẩn bị đi Hòa Bình tìm cao hổ cốt. Thời đó, vùng núi Tây Bắc là vương quốc của hổ. Ở thị xã Hòa Bình, đêm đêm, hổ còn mò ra dốc Cun vồ người, cho nên muốn có bộ xương hổ nấu cao là chuyện... đơn giản.

Nhưng bố tôi chưa kịp đi thì có một người từ Cao Bằng về biếu ông ngoại tôi hai lạng cao hổ cốt để trả ơn cứu mạng.

Lập tức một lạng cao được đem ngâm rượu và một lạng thì được cắt nhỏ ra để nấu cháo. Có thuốc rồi nhưng để cho tôi uống được thì lại rất khó khăn bởi vì một phần sợ các bác sĩ, một phần phải giấu những người xung quanh. Thế là cứ đêm đêm, khi mọi người ngủ, mẹ tôi lại lén đổ rượu cho tôi uống... Uống rượu vào, người tôi đỏ rực lên, cái đầu cứ lúc lắc liên tục.

Được 5 ngày thì tôi cử động được ngón tay.

Được 7 ngày thì chân tôi co được và bàn tay đã cầm được ngón tay của mẹ.

Được 15 ngày thì tôi... ngồi dậy và lại vịn thành giường tập đi.

Cả Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai xôn xao. Các bác sĩ không còn có thể hiểu nổi và họ quyết định mang tôi đi... nghiên cứu bởi vì đây là trường hợp độc nhất vô nhị.

Còn một số ông bố bà mẹ đang có con bị bại liệt nằm cùng phòng với tôi biết được là mẹ tôi có thuốc lạ. Họ rình theo dõi bà và phát hiện bà cho tôi uống thuốc về đêm, thế là họ van lạy bà cho thuốc. Không thể giữ bí mật được, mẹ tôi mách cho họ lên gặp ông ngoại tôi... Nghe nói là cũng nhiều người được cứu khi tắm nước cây sắn dây và uống cao hổ cốt.

Thấy cảnh bác sĩ lại bẻ gập người tôi xuống, chọc kim tiêm vào giữa hai đốt sống để rút nước tủy, bố tôi không chịu nổi, ông quyết định “bùng”? Một buổi chiều, bố tôi mặc quân phục, đeo sao hàm cẩn thận, vào viện bế tôi đi chơi. Mẹ tôi đi ra ngoài  hàng rào chờ sẵn và nhân lúc nhập nhoạng, ông tuồn tôi qua hàng rào đưa cho mẹ tôi rồi biến thẳng.

Tôi được cứu thoát, nhưng căn bệnh đã để lại cho tôi một di chứng... là teo nửa người bên trái, và nặng nhất là cánh tay trái. Giữa năm 1972, tôi khám sức khỏe để đi bộ đội. Chị bác sĩ quân y bắt tôi cởi quần áo rồi nhìn ngắm tôi bằng con mắt ngạc nhiên và phì cười mà bảo rằng: “Mặc quần áo vào, về đi. Người thế này cũng đòi đi bộ đội, xấu cả quân ngũ”.

Nhưng rồi mấy năm sau, tôi lại được gọi đi khám nghĩa vụ quân sự. Và lần này, một vị bác sĩ lại bảo: “Tay phải khỏe là tốt rồi. Vào bộ đội, chịu khó rèn luyện có khi tay trái sẽ phát triển”. Nghe lời ông, những ngày ở quân ngũ bên Lào, tôi rất chịu khó tập tạ tay trái, nhưng cũng chỉ xách nặng được bằng hai phần ba tay phải.

Chuyện tôi sống được nhờ cao hổ cốt là như vậy.

Một thời gian dài về sau, tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ đến cao hổ cốt, mặc dù thi thoảng bố tôi có nói rằng phải làm thế nào kiếm được bộ xương hổ để nấu cao dành cho tôi. Ông ngoại tôi dặn lại rằng  vì tôi uống cao từ khi còn bé tý, nên sau này, có bị bệnh tật gì, uống các loại thuốc bổ khác đều vô ích, trừ cao hổ cốt.

Năm 1984, tôi đi công tác ở tỉnh Lai Châu (cũ) và quyết định đi lên xã Xín Thầu là xã ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào. Hồi đó, nói đến vùng ngã ba biên giới này, ai cũng hãi. Ngay Công an tỉnh Lai Châu, số cán bộ đi được đến đây cũng rất hiếm. Thấy tôi quyết tâm đi, ông Vàng Văn Phương, Chủ tịch huyện cho miếng cao hổ cốt to bằng nửa bao thuốc lá, anh em kiểm lâm cho ít tam thất... Ông Phương dặn tôi là ngâm miếng cao đó với rượu, tối đến uống một chén con. Rồi ông còn rỉ tai tôi bảo là phải uống... giấu vì “anh leo núi không quen mới cần uống cao hổ, còn mấy đứa đi cùng, đừng cho chúng nó uống, phí đi”.

Nghe lời ông, cứ đến bản nào, trước khi đi ngủ, tôi lại lôi bi đông rượu giấu trong balô ra và tợp vài ngụm... Uống rượu xong, được khoảng một tiếng sau thì thấy các khớp xương mỏi rã rời và trong người cứ như phát phiền, nằm ngủ không yên, cứ vật bên này, vật bên kia. Nhưng khi thiếp đi rồi thì giấc ngủ đến sâu thăm thẳm và sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy trong người nhẹ nhõm, hoạt bát và cái cảm giác mệt bã người của mấy chục cây số leo núi hôm trước biến đi đâu hết.

Khi tôi đến được bản Tả Kho Khừ, anh Pờ Xì Tài lấy một miếng cao hổ ra, nấu cháo cho tôi ăn. Và những ngày ở nhà anh, hôm nào cũng uống rượu cao hổ cốt, thứ rượu trắng đục như nước gạo. Số tôi gặp may là được ăn, được uống cao hổ cốt thật 100% bởi vì trước đó ba tháng, anh Tài bắn được một con hổ đực. Con hổ này đã vồ hơn một chục con trâu của bà con Xín Thầu và có đêm, nó về tận cuối bản Tả Kho Khừ gầm vang rừng.

Mùa đông, vào những đêm trăng tròn, nó mò ra vụng nước trên suối Mo Phí chảy qua phía đầu bản ngắm trăng. Nó ngồi như bất động trên tảng đá và ngắm mặt trăng chìm trong đáy nước. Thi thoảng, nó lại  lấy chân trước vớt trăng lên... Trăng vỡ ra từng mảnh, và nó kiên nhẫn ngồi chờ những mảnh trăng tụ lại, rồi lại thò chân xuống vớt...

Con hổ này cũng từng làm cho cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn nhiều đêm mất ngủ. Đồn biên phòng có một đàn bò gần ba chục con và được nhốt vào khu chuồng quây bằng cây gỗ cao đến gần ba mét.  Có đêm, hổ về chạy quanh chuồng bò và  gầm “uôm... uôm”, khiến lũ bò chạy lao hết góc chuồng nọ sang góc chuồng kia. Đàn chó của đồn biên phòng nổi tiếng hung dữ nhưng cũng cúp đuôi chui vào gậm giường rên ư ử.  Có lần, con hổ nhảy qua hàng rào, tát chết một chú bê rồi tha con bê nhảy ra... Mọi người không thể hiểu được sức mạnh của nó đến như thế nào.

Không chịu nổi sự tác oai tác quái của con hổ, UBND xã Xín Thầu họp và quyết định phải diệt nó trừ họa cho dân. Nhưng muốn bắn nó thì phải làm đơn, liệt kê tội trạng của nó rồi gửi ra Cục Kiểm lâm tỉnh. Mất hai tháng sau khi làm đơn gửi đi, anh Pờ Xì Tài mới nhận được công văn cho phép bắn.

Một hôm, con hổ về tát chết con trâu ở ven bờ suối và tha lên rừng. Anh Tài dẫn dân quân đuổi theo và con hổ phải bỏ chạy. Biết con hổ tiếc mồi thế nào cũng quay trở lại, anh Tài lấy hai khẩu AK lên đạn sẵn và buộc dây vào cò súng. Anh tính toán làm sao để khi con hổ vào kéo xác con trâu là phải chạm vào dây buộc cò súng. Hai khẩu AK sẽ cùng nổ và thế nào cũng có một viên trúng vào khu vực mạng sườn con hổ... Quả nhiên, đêm đó, con hổ quay lại ăn xác trâu và bị vướng dây...

Nghe tiếng súng nổ trong đêm, sáng sớm hôm sau, anh Tài cùng mọi người lên tìm và lần theo vết máu, thấy con hổ chết dưới bờ suối, cách nơi gài bẫy đến hai cây số. Con hổ to chưa từng thấy và nặng khoảng hơn hai tạ. Bộ da hổ còn tươi (đo từ đầu đến đuôi dài 2,8 mét), anh cho Quang Đệ, cán bộ Phòng PX15 Công an tỉnh Lai Châu. (Sau này Đệ nhờ tôi mang về Hà Nội bán, nhưng vì bộ da bị chó xơi mất mấy miếng ở đầu nên chả được là bao nhiêu. Hóa ra là chó chỉ sợ hổ sống, còn hổ chết rồi, nó chả coi là cái... đinh gì. Thế mà người ta cứ bảo nếu là cao hổ cốt thật, ném ra, chó cúp đuôi chạy mất ?!)...

Rượu cao hổ cốt

Trong những ngày lang thang ở khu vực ngã ba biên giới, tôi được nghe vô vàn chuyện kỳ lạ về hổ.

Hồi đó, hổ ở Mường Tè còn khá nhiều nhưng tập trung chủ yếu ở khu rừng cấm  quốc gia Mường Nhé (nay thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Khu vực rộng lớn này lại giáp với những khu rừng nguyên sinh bên Lào cho nên là nơi cư trú cho nhiều loại động vật quý hiếm như voi, hổ, gấu, bò tót... Mà đúng thế thật, khi tôi cuốc bộ từ huyện lị Mường Tè, qua núi Tà Tổng xuống Mường Nhé thì trên đường đi, thi thoảng lại thấy những bãi phân voi, thấy những lốt chân hổ in to như miệng bát in trên nền đất ướt.

Có chuyện rằng  vào một buổi trưa, trời mưa sầm sập. Mấy anh nhân viên của Trạm Kiểm lâm Mường Nhé, đang ngồi hút thuốc lào vặt thì thấy một chú hổ con to bằng con chó nhỡ lổm ngổm bò vào.  Một anh chàng kiểm lâm trẻ sáng mắt lên, lao ra ôm thốc chú hổ con và lấy dây dù buộc vào cột nhà. Trong khi đó, hai ông kiểm lâm già thì bắt anh ta thả hổ con ra rồi hốt hoảng bỏ chạy... Quả nhiên, chỉ mấy phút sau xuất hiện hổ mẹ mất con đang lồng lộn đi tìm. Ngửi thấy hơi con, hổ mẹ xông thẳng vào và phá tan hoang ngôi nhà rồi quắp con đi mất.

Còn ở xã Mù Cả lại có chuyện ném chết... hổ.

Hôm ấy, ông Lỳ Hừ Xá ra suối Pác Ma bắt cá. Nhưng mới tuột xuống nửa dốc thì ông sững lại vì thấy một con hổ đang ngồi chồm hỗm trên tảng đá ven bờ suối rình vồ cá. Bên cạnh là một chú hổ con đang vờn đuôi hổ  mẹ. Không biết làm thế nào để đuổi hổ mẹ đi, ông Xá bèn nhặt một hòn đá to ném xuống. Chả hiểu run rủi thế nào mà hón đá ném trúng đầu hổ mẹ, làm nó lăn quay ra, chết ngay. Ông Xá chờ một lát, biết là nó chết hẳn mới xuống, bắt chú hổ con. Con hổ mẹ được xẻ thịt chia cho cả bản, còn bộ xương thì nấu cao; chú hổ con được giao cho vườn Bách thú Hà Nội...

Hàng năm, vào dịp tháng 2 âm lịch, tại khu mỏ muối Păng Pơi cách Đồn Biên phòng Leng Su Sìn nửa ngày đường, các loài thú kéo nhau về ăn muối để chuẩn bị cho mùa sinh sản đông như... trong vườn bách thú. Điều kỳ lạ là ở đây, người ta có thể thấy những đàn nai nhẩn nha gặm cỏ bên cạnh lũ hổ nằm phưỡn bụng, ngắm mây bay, nghe gió chạy trên tán lá rừng. Người ta cũng dễ dàng thấy những đàn voi nằm ườn dưới con suối Voi chạy qua phía đầu bản Voi của Leng Su Sìn bây giờ...

Vào những dịp như vậy, các nhân viên kiểm lâm phải đến mỏ muối Păng Pơi, dựng chòi trên một cây cao và... đếm thú, đồng thời canh những tay thợ săn tới săn trộm.  Khi Mường Nhé chưa trở thành rừng cấm quốc gia, ông Chang Pố Hừ, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Mường Tè đã từng ra mỏ muối Păng Pơi bắn một tối được 4 con nai và 1 con hổ.

Đợt đi công tác tại vùng ngã ba biên giới ấy, tôi ăn và uống không biết bao nhiêu cao hổ cốt. Hiệu lực của cao thế nào, tôi cũng chẳng để ý, nhưng chỉ biết rằng thấy làm việc gì cũng băng băng. Có lần 4h sáng lái xe Xitđờca chạy vào Vinh, lấy tài liệu xong, ăn qua quít miếng cơm độn ngô lủng củng rồi lại phóng về Hà Nội, đêm thức trắng viết bài, sáng hôm sau đến nộp mà vẫn tươi tỉnh.

Vậy tại sao cao hổ cốt lại tốt như vậy và có thực sự  cao hổ cốt là thứ “thần dược” chữa thấp khớp, chữa các loại bệnh về xương cốt và bây giờ thì lại được coi là thứ cao giúp cho giới đàn ông... tìm lại chính mình? Rồi người ta nấu cao hổ như thế nào?

Nguồn: ẩm thực 365

 

Rượu Kiến Nghiệp chuyên cung cấp rượu ngoại sỉ và lẻ toàn quốc!

Rượu bia không dành cho người dưới 18 tuổi và phụ nữ đang mang thai, uống rượu là không lái xe.

Tham Khảo Điều Khoản.

luaath rượu bia mới nhất


RƯỢU KIẾN NGHIỆP

Chăm sóc khách hàng 24/7: 0366882894 - 0908512280
Mail: [email protected]
Copyright © 2018. RuouKienNghiep.Com

Thiết kế bởi Thiết Kế Web Giá Rẻ