Từ khóa
Danh mục |
17-02-2017 00:00
Đã là doanh nhân, ai chẳng phải tiếp khách, và ít ai tránh khỏi việc uống bia, rượu. Mặt khác, doanh nhân nói chung dùng xe hơi nhiều. Vậy doanh nhân ứng xử thế nào với chương trình "Phòng, chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông"?
Các doanh nhân nghĩ gì về rượu bia và An toàn giao thông
Tôi nhớ nhất có lần chúng tôi đi liên hoan ở một nước châu Âu, anh bạn Stephen Gandy của tôi hôm đó cương quyết không uống bia rượu, bởi anh phải lái xe.
Trao đổi với TS Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Thái Hà Books xung quanh vấn đề này.
"Tháng an toàn giao thông (ATGT)" đang được triển khai trên cả nước với chủ đề trọng tâm là "Phòng, chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông". Là một doanh nhân, ông có nhìn nhận gì về việc làm này không? Ông có quan tâm nhiều không? Ông ủng hộ hay phản đối?...
CEO Thái Hà Books chia sẻ về ứng xử của doanh nhân
với rượu bia và An toàn giao thông
Tôi ủng hộ chủ trương này. Thực ra con số 33 người chết vì tai nạn giao thông mỗi ngày làm tôi day dứt. Chị tưởng tượng ra đấy, ngày nào cũng như ngày nào, có đến hơn ba chục người sáng đi làm mà tối không về nhà nữa, chỉ vì tai nạn giao thông mà mất mạng. Đấy là chưa kể đến con số những người bị chấn thương sọ não, bị gãy chân, gãy tay, bị nằm viện dài ngày,… Nghĩ mà xót. Rõ ràng việc khống chế tai nạn giao thông là quá cần thiết. Uống bia rượu, say xỉn khi lái xe là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên hậu quả khủng khiếp nêu trên. Cá nhân tôi rất quan tâm và theo dõi sát sao thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng mỗi ngày. Tôi thậm chí còn nghĩ, lẽ ra vấn đề an toàn giao thông cần được đặt ra sớm hơn!
Tuyên truyền phải đi trước và là người đi nhiều nước trên thế giới, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của họ thực hiện quy định uống rượu, bia liên quan đến ATGT?
Đúng như chị nói, vấn đề tuyên truyền mới là gốc rễ và phải đi trước một bước. Khi người dân hiểu ra vấn đề họ sẽ tự giác chấp hành. Vì lợi ích của chính mình và những người xung quanh. Quả thật, uống bia rượu, say xỉn, gây tai nạn giao thông gây ảnh hưởng đến tính mạng không chỉ của chính lái xe mà bao người dân vô tội khác. Việc tuyên truyền cần làm đồng loạt, trên mọi phương diện. Còn việc áp dụng các hình phạt chỉ là biện pháp cuối, như việc áp dụng luật hình sự cho việc chống tội phạm. Tôi thiết nghĩ việc phòng chống uống bia rượu đối với người điều khiển phương tiện giao thông nên làm lâu dài, giống như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.
Ở các nước tôi đã đến, người ta làm rất chặt, rất nghiêm với việc cấm uống bia rượu khi lái xe. Tại nhiều nước, bạn có thể bị tước bằng lái xe vô thời hạn nếu bị phát hiện ra uống bia rượu quá mức cho phép. Tôi nhớ nhất có lần chúng tôi đi liên hoan ở một nước châu Âu, anh bạn Stephen Gandy của tôi hôm đó cương quyết không uống bia rượu, bởi anh phải lái xe. Anh bảo tôi, nếu uống thì không lái. Sau đó, tôi đưa ra quyết định: sẽ lái xe và không uống. Chúng tôi đã đổi vai cho nhau. 4 bạn còn lại hôm đó được uống thoải mái, còn tôi… ngồi nhìn các bạn uống và nhâm nhi… cốc nước cam!
Những ngày gần đây, tại những tuyến phố có nhiều quán bia hơi, nhà hàng, CSGT Hà Nội đã lập các chốt kiểm tra để đo nồng độ cồn của những người vừa rời quán. Nhiều người đi ôtô, xe máy đã bị phạt cả triệu đồng. Ông đã từng bị phạt chưa? Và điều này có làm ông lo ngại mỗi khi rời quán không? Vì sao? Ông có hiến kế gì cho những người thường xuyên phải đi tiếp khách uống bia không?
Tôi có nghe và biết đến việc chính thức bắt đầu kiểm tra nồng độ cồn khi lái xe. Chính vì vậy, tôi luôn gương mẫu: đã uống bia hay rượu là không lái xe. Khi đã quyết định đi uống bia rượu là tôi đi taxi hay xe ôm. Nếu lái xe đến quán tôi cũng quyết định gửi xe lại, hôm sau đến lấy. Như vậ,y an toàn cho mình và cho người. Chị biết không, trước đây, khi uống vào và lái xe bao giờ tôi cũng thấy đường thoáng hơn, ít xe hơn, lái xe “tít” hơn. Nghĩ lại mới thấy nguy hiểm. Vài người bạn tôi thì đã từng vừa lái xe vừa ngủ, hay không biết mình về đến nhà bằng cách nào. Có chị vợ bạn tôi kể, vừa mở cổng ra thì chồng và xe lăn ngay xuống. Chị lo “dắt” cả chồng cả xe vào nhà. Uống say vào có nhiều pha khó tin lắm chị ạ!
Có một thực tế là rất nhiều người vẫn chưa biết hôm nay mình uống như vậy liệu nồng độ cồn trong máu có quá mức cho phép không? Tại điều 8 (khoản 8) Luật giao thông đường bộ năm 2001 quy định: “Nghiêm cấm người lái xe đang điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc 40 miligam/1 lít khí thở hoặc có chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng”. Là một doanh nhân được cho là thông thái có tầm hiểu biết sâu rộng, ngay lúc này chưa tìm hiểu về tài liệu gì thì ông có dám tự tin để có thể khẳng định rằng: “À! Hôm nay mình uống có vài cốc bia, vẫn tự lái xe tốt và cũng không sợ bị phạt vì chắc chắn là nồng độ cồn chưa vượt quá 80 miligam/100 mililit máu .” không?
Thực ra đã vào quán và nhậu khó ai kiểm soát được lượng bia hay rượu sẽ uống lắm. Hơn nữa văn hóa Việt chúng ta hay ép nhau uống. Bạn có dự kiến uống 1 ly hay 2 cốc nhưng cuối cùng cũng bị ép, bị rủ rê, bị hoàn cảnh xô đẩy sẽ uống nhiều và không kiểm soát được đâu. Bản chất của con số mà ngành giao thông đưa ra là để những ai vào quán vẫn đủ tỉnh táo để lái xe, để làm chủ tốc độ. Đó là điều đúng vì đã được nghiên cứu kỹ và áp dụng ở nhiều nước rồi.
Ông có lời nhắn ngắn gọn nào dành cho các doanh nhân nói riêng và cho mọi người nói chung?
Đã lái xe là không uống bia rượu. Mà đã định uống nên để người khác lái xe. Đây là cơ hội để chúng ta tập thói quen tốt. Lợi mình và lợi người. Tôi tin rằng từ nay tai nạn giao thông sẽ giảm một mức đáng kể.
Xin cảm ơn ông!
Theo Trần Thủy: Tầm nhìn
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN