Từ khóa
Danh mục
Lượt xem: 1088

30-05-2015 22:38

 

Được sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hennessy phối hợp với Trung tâm Tổ chức Biểu diễn Nghệ thuật (Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hân hạnh giới thiệu Chương trình Hòa nhạc lần thứ 19, được tổ chức tại Nhà Hát Lớn Hà Nội vào 20 giờ ngày 29 tháng 5 năm 2015. Chương trình hòa nhạc Hennessy năm nay giới thiệu với công chúng nữ nghệ sĩ dương cầm Anna Polonsky và nam nghệ sĩ vĩ cầm Stefan Jackiw.

Chương trình Hòa nhạc Hennessy lần thứ 19

Thời gian và địa điểm

- 20g00 ngày 29/5/2015 ~ Nhà Hát Lớn Hà Nội

Là nhà bảo trợ hàng đầu cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật, Hennessy tự hào được tài trợ cho một số sự kiện âm nhạc lớn trên thế giới, từ liên hoan âm nhạc ở Trung Quốc, các buổi nhạc kịch ở Nhật Bản, những đêm nhạc Jazz ở Mỹ đến Liên hoan "Blue Passions" nổi tiếng tại Pháp. Với mong muốn thúc đẩy âm nhạc cổ điển tại Việt Nam, Hennessy đã liên tục đem đến cho công chúng Việt Nam cơ hội thưởng thức những tác phẩm kinh điển của các nhà soạn nhạc thiên tài trên thế giới, qua sự trình diễn của những nghệ sĩ biểu diễn tài danh.

Với mục tiêu đem chương trình hòa nhạc đến với đông đảo công chúng, Hennessy sẽ tiếp tục thực hiện truyền trực tiếp buổi hòa nhạc qua màn hình lớn, đặt tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, để chia sẻ những khoảnh khắc tuyệt vời với những người yêu nhạc cổ điển tại Hà Nội.

hoa nhac hennessy 19

Giới thiệu nghệ sĩ

Nghệ sĩ vĩ cầm Stefan Jackiw

Nghệ sĩ vĩ cầm người Mỹ Stefan Jackiw đã trở thành gương mặt soloist thân quen của liên đoàn các dàn nhạc Hoa Kỳ và nhanh chóng gây dựng được tên tuổi của mình ở quốc gia phía bên này bờ Đại Tây Dương. Stefan Jackiw luôn được ca ngợi bởi tiếng đàn trong trẻo, vẻ đẹp của âm sắc và kỹ thuật hoàn hảo thể hiện dấu ấn chín chắn, trưởng thành qua thời gian. Stefan thường xuyên được những nhạc trưởng danh tiếng mời cộng tác, trong số đó có Sir  Andrew Davis, Yannick Nézet-Séguin, Hannu Lintu, Mario Venzago, Ludovic Morlot, Marin Alsop, James Gaffigan, Andris Nelsons, Gunther Herbig và Hans Graf.

Năm 14 tuổi, Jackiw có buổi biểu diễn ra mắt gây tiếng vang cùng Dàn nhạc Giao hưởng tại Khán phòng hoàng gia Royal Festival Hall qua tác phẩm của Mendelssohn và được ví như đã “tạo cơn bão trong giới nhạc Luân Đôn” (The Strad). Anh hiện là nghệ sĩ khách mời thường xuyên ở Châu Âu, gần đây là các buổi diễn cùng các dàn nhạc như Dàn nhạc Giao hưởng Berlin Đức, Dàn nhạc Giao hưởng Luân Đôn, Dàn nhạc giao hưởng Rotterdam, Dàn nhạc Đài phát thanh quốc gia Đan Mạch, Dàn nhạc giao hưởng Đài phát thanh truyền hình Madrid Tây Ban Nha, Dàn nhạc giao hưởng Bern, và Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Ireland. Tháng Ba năm 2014, cùng với Dàn nhạc giao hưởng thính phòng Đức và dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Matthias Pintscher, anh thực hiện buổi công diễn thế giới lần đầu tiên tác phẩm Concerto Violon số 2 “Jubilant Arcs” do nhà soạn nhạc người Mỹ David Fulmers viết riêng cho anh và theo đơn đặt hàng của Liên hoan âm nhạc Heidelberg.

Ở Bắc Mỹ, Jackiw đã từng biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng New York, Dàn nhạc Philadelphia, Dàn nhạc Cleveland và Boston, các dàn nhạc giao hưởng của Seattle, San Francisco, Pittsburgh,  Cincinnati, Toronto và Chicago. Anh trở thành nghệ sĩ khách mời thường xuyên của dàn nhạc giao hưởng Baltimore và cùng họ lưu diễn tới Nhật Bản. Xa hơn về phía Nam bán cầu, Jackiw đã biểu diễn chung với dàn nhạc Youtube tại Sydney, dàn nhạc giao hưởng Malaysia, đi lưu diễn với Dàn nhạc Trẻ Á Châu và là một nghệ sĩ solist nổi tiếng tại Hàn Quốc.

 

Ở mảng biểu diễn độc tấu, Stefan  Jackiw đã biểu diễn tại Liên hoan Âm nhạc Schleswig-Holstein cùng với nghệ sĩ dương cầm Christoph Eschenbach và tại bảo tàng Louvre ở Paris. Tại Mỹ, Jackiw đã biểu diễn độc tấu tại Liên hoan Âm nhạc Aspen, Liên hoan Ravinia, Chuỗi sự kiện Những người nổi tiếng tại Boston, Trung tâm Kennedy Washington,  Liên hoan  Mozart và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan tại New York, tại đêm khai trương khán phòng Zankel của Trung tâm Đại khán phòng Carnegie. Mùa diễn năm ngoái, Stefan Jackiw có dịp trở lại biểu diễn tại đại khán phòng Carnegie và công diễn lần đầu tiên một tác phẩm mới dành cho vĩ cầm và dương cầm của nhà soạn nhạc người Mỹ David Fulmer.

Nổi bật trong số các hoạt động nghệ thuật của Jackiw ở mùa diễn sắp tới là chuyến lưu diễn với 9 buổi hòa nhạc cùng dàn nhạc thính phòng Australia và các buổi biểu diễn với Dàn nhạc giao hưởng Galicia (Bruch), Dàn nhạc giao hưởng New Zealand (Mendelssohn), Dàn nhạc giao hưởng BBC Scotland với nhạc trưởng Lintu (Sibelius), Dàn nhạc giao hưởng Dortmund (Mendelssohn), Dàn nhạc giao hưởng Tampere, cùng các dàn nhạc giao hưởng của New Jersey, Detroit, Oregon và Fort Worth.

Trên lĩnh vực thu âm, Jackiw đã nhận được sự đánh giá cao với đĩa thu âm đầu tiên của mình do hãng Sony phát hành: các bản sonate dành cho violon của Brahms, với phần đệm đàn dương cầm của nghệ sĩ Max Levinson. Tạp chí Fanfare ca ngợi “Jackiw thật tuyệt vời. Giờ là lúc đĩa thu âm các bản sonate dành cho violon của Brahm có mặt”.

Thừa hưởng hai dòng máu Đức và Hàn Quốc, nghệ sĩ 29 tuổi Jackiw bắt đầu học violon từ khi lên 4 tuổi và theo học với các giảng viên Zinaida Gilels, Michèle Auclair và Donald Weilerstein. Năm 2002, anh đã giành được giải thưởng danh giá Avery Fisher Career Grant.  

Nghệ sĩ dương cầm Anna Polonsky

Anna Polonsky là nghệ sĩ thính phòng và solist thuộc nhóm đắt sô biểu diễn. Cô đã đứng trên sân khấu cùng dàn nhạc Virtuosi Maxcơva, dàn nhạc giao hưởng Buffalo, dàn nhạc giao hưởng Columbus, dàn nhạc Memphis, dàn nhạc thính phòng Philadelphia, Hợp tấu thính phòng St. Luke, và nhiều dàn nhạc khác.

Polonsky đã cộng tác với các nghệ sĩ như Guarneri, Orion, tứ tấu Thượng Hải, Mitsuko Uchida, David Shifrin, Richard Goode, Ida và Ani Kavafian, Cho-Liang Lin, Arnold Steinhardt, Anton Kuerti, Peter Wiley, và Fred Sherry. Cô là nghệ sĩ khách mời thường xuyên tới biểu diễn nhạc thính phòng tại các Liên hoan Âm nhạc như Marlboro, Chamber Music Northwest, Seattle, Music@Menlo, Cartagena, Bard, và Caramoor, cũng như Bargemusic ở New York.

Anna Polonsky đã từng thực hiện buổi diễn tại các khán phòng hòa nhạc Amsterdam Concertgebouw, Vienna Konzerthaus, Alice Tully Hall, Carnegie Hall's Stern, Weill, và Zankel Halls. Cô cũng đã lưu diễn rộng khắp nước Mỹ, Châu Âu, và Châu Á. Là vị khách mời thường xuyên của Hiệp hội Âm nhạc Thính phòng - Trung tâm Lincohn, cô cũng là thành viên của Hiệp hội trong giai đoạn 2002 - 2004. Năm 2006, cô tham gia dự án thu âm và phát thanh các bản sonate dành cho keyboard của Mozart do Liên hiệp Phát thanh Châu Âu chủ trì. Mùa xuân năm 2007, Anna thực hiện buổi diễn độc tấu tại Khán phòng Stern của Carnegie Hall để khai mạc Chuối chương trình hòa nhạc “Triển vọng” của Tứ tấu Emerson.

hoa nhac hennessy 19

Anna Polonsky có buổi biểu diễn độc tấu piano ra mắt lần đầu tiên khi lên 7 tuổi tại Trường nhạc Trung ương tại Maxcơva, Nga. Cô di cư đến Mỹ năm 1990 và học trung học tại Học viện Nghệ thuật ở Michigan. Anna Polonsky nhận Bằng Cử nhân âm nhạc tại Viện Âm nhạc Curtis, cũng là nơi cô cộng tác cùng nghệ sĩ piano tên tuổi Peter Serkin. Sau này, cô tiếp tục theo học với nghệ sĩ Jerome Lowenthal và đạt bằng Cao học tại trường Juilliard School. Anna Polonsky giành được học bổng nghiên cứu sinh năm 2003 của Quỹ Borletti-Buitoni Trust Fellowship, và nhận được Giải thưởng Âm nhạc Thính phòng Andrew Wolf năm 2011.

Anna Polonsky cùng với nghệ sĩ vĩ cầm Michael Tree và nghệ sĩ clarinet Anthony McGill lập thành Tam tấu Schumann. Cô cũng cùng chồng, nghệ sĩ dương cầm Orion Weiss tạo nên song tấu dương cầm độc đáo. Ngoài sự nghiệp biểu diễn, Anna tham gia giảng dạy tại khoa Piano của Trường Đại học Vassar. Cô cũng thuộc danh sách các nghệ sĩ chỉ biểu diễn trên cây đàn piano hiệu Steinway.

Chương trình biểu diễn

Wolfgang Amadeus Mozart

Bản Sonate cung Si giáng trưởng dành cho Violon và Piano, K. 378

Năm 1781, Mozart chuyển đến Viena với mong muốn tìm kiếm sự tự do cá nhân và tài chính nhằm thoát khỏi hai nhân vật có quyền thế đã chế ngự cuộc đời ông từ trước đến giờ là người cha của ông và ngài tổng giám mục Salzburg. Để có thu nhập, Mozart phải dạy học, phải biểu diễn thật nhiều và ông sống nhờ vào các khoản thù lao sáng tác. Ngoài việc sáng tác các vở nhạc kịch theo đặt hàng, ông cũng nhận thấy một nguồn việc khác mới nảy sinh trên thị trường khi các nhạc công nghiệp dư ở Vienna cần tác phẩm biểu diễn. Chính vì vậy, tác phẩm đầu tiên của ông ra mắt tại Viena là viết theo đơn đặt hàng của một nghệ sĩ nghiệp dư. Trong tác phẩm này, ông đã soạn bốn bản sonate dành cho violon và phát hành cùng với hai bản khác đã viết trước đó vào tháng 11 năm 1781. Với chùm kiệt tác này, Mozart đã mang đến một định nghĩa mới cho các bản sonate dành cho violon, qua việc tạo thêm vai trò quan trọng cho cây đàn violon, và bằng cách đòi hỏi cả nghệ sĩ violon và piano phải có kỹ thuật và sự cảm nhận âm nhạc ngang nhau. Giàu ý tưởng âm nhạc mới, cấu trúc tác phẩm hoà quyện, bản sonate cho thấy đây là đỉnh cao của sự tài năng và độ chín muồi của nhà soạn nhạc.

WitoldLutosławski

Tổ khúc Partita

Tổ khúc Partita của nhà soạn nhạc Lutosławski là tác phẩm dành cho violon và piano. Tác phẩm chứa đựng tất cả những gì một người có thể tưởng tượng ra được ở một tác phẩm âm nhạc vô cùng sống động: sự sống thể hiện trong tác phẩm  âm nhạc này mạnh mẽ tới mức cả việc diễn tấu và nghe khúc nhạc này đều là một trải nghiệm dâng trào cảm xúc.

KaijaSaariaho

Dạ khúc dành cho độc tấu Violon

Bản dạ khúc là tác phẩm dành để tưởng nhớ nhà soạn nhạc người Ba Lan Witold Lutoslawski. Bản nhạc là sự thăm dò thử nghiệm trên những ý tưởng ban đầu của Kaija Saariaho đối với bản concerto dành cho violon Graal Théâtre, công diễn lần đầu bởi nghệ sĩ violon Gidon Kremer tại Luân Đôn trong các chương trình hòa nhạc BBC Promenade mùa diễn 1995. Bản dạ khúc được công diễn lần đầu bởi nghệ sĩ John Storgårds vào ngày 16 tháng 2 năm 1994 tại Helsinki.

Johannes Brahms

Bản Sonate số 3 cung Rê thứ dành cho Violon và Piano, Op. 108

Đây là bản nhạc cuối cùng trong bộ ba tác phẩm sonate viết cho violon và piano. Brahms dành tặng tác phẩm này cho nhạc trưởng Hans von Bülow, một người bạn đồng thời cũng là đồng nghiệp của ông. Bản nhạc tuân theo thể thức sonate truyền thống, với 4 chương và đối lập với 2 bản sonate kia (chỉ gồm 3 chương) về sắc thái và quy mô.

nguồn: trungtamtochucbieudiennghethuat

 

Rượu Kiến Nghiệp chuyên cung cấp rượu ngoại sỉ và lẻ toàn quốc!

Rượu bia không dành cho người dưới 18 tuổi và phụ nữ đang mang thai, uống rượu là không lái xe.

Tham Khảo Điều Khoản.

luaath rượu bia mới nhất


RƯỢU KIẾN NGHIỆP

Chăm sóc khách hàng 24/7: 0366882894 - 0908512280
Mail: [email protected]
Copyright © 2018. RuouKienNghiep.Com

Thiết kế bởi Thiết Kế Web Giá Rẻ