Từ khóa
Danh mục |
06-11-2018 21:57
Rượu bia-con dao hai lưỡi
Uống bia rượu trở thành một phần văn hóa của Việt Nam. "Nam vô tửu như kỳ vô phong" không biết từ khi nào đã trở thành một chuẩn mực để đánh giá độ chuẩn “men” của một người. Đặc biệt hơn, lâu nay rượu bia đang được xem là chất xúc tác cho thành công của đàn ông Việt. Tuy nhiên, thành công thì khó đo đếm trong khi hệ luỵ bệnh tật, tai nạn giao thông lại có thể nhìn thấy quá rõ.
Rượu bia là đầu câu chuyện?
Bài viết này không đề cập đến thói ăn nhậu, rượu chè bê tha của nhiều người đàn ông sống ở vùng nông thôn hay những người “nhàn cư vi bất thiện”, những ma men không làm chủ được hành vi về nhà hành vợ đánh con mà chỉ đề cập đến tình trạng rượu bia ở những người đàn ông có học thức, có trình độ văn hóa, có vị trí trong xã hội và đặc biệt là ở những người thừa hiểu những tác hại lớn của rượu bia.
Không thích uống? Biết rõ tác hại của rượu bia? Vậy tại sao phải có đến 90% đàn ông đang làm việc tại các công ty, đơn vị ở đủ các độ tuổi lại vẫn thường xuyên uống rượu bia? Tất nhiên, con số trên chỉ là con số chủ quan ước chừng nhưng chắc chắn nó cũng không đến nỗi là “nói quá”. Tất nhiên, nhiều phụ nữ cũng uống rượu không thua kém gì đàn ông. Nhưng số lần say, số người uống không thể nào so sánh được với “cánh mày râu”.
“Tôi rất sợ sắp đến giờ ăn cơm lại nhận được tin nhắn của chồng: "Anh đi tiếp khách về muộn. Em với con ăn và đi ngủ trước nhé". 10 lần nhận được tin nhắn này thì đến 9 lần chồng tôi về nhà với bộ dạng "chân nam đá chân chiêu", có hôm còn có hai anh hơi thở xộc mùi “hồng xiêm” xốc nách hai bên dìu vào nhà.
Vợ chồng lấy nhau gần chục năm nhưng chắc chỉ lúc quá mệt mỏi vì phải phục vụ cũng như quá lo lắng về sự an toàn của chồng thì chúng tôi mới xảy ra to tiếng, cãi vã nhau” – chị Minh Thu, có chồng là giám đốc một công ty TNHH với quy mô 50 nhân viên tại Hà Nội tâm sự.
“Vẫn biết chồng rời cơ quan Nhà nước ra ngoài lập nghiệp nên áp lực tứ phía. Anh bắt đầu từ hai bàn tay trắng, chỉ sau hai năm đã có chút vốn liếng là một sự cố gắng vô cùng lớn. Anh đi tiếp khách, đi giao lưu với đối tác, bạn bè thường xuyên. Cuối tuần chỉ tham gia một trận đấu bóng với anh em ở cơ quan cũ thôi nhưng cũng phải uống say bí tỉ mới về. Có lần anh hết say, tỉnh táo, tôi mới hỏi anh:
- Thế ai đi tiếp khách cũng phải say bí tỉ mới về hả anh?
- Hầu hết là say. Không say không về mà em. Một số anh em uống khỏe thì không say nhưng cũng “la đà”.
- Tại sao lại phải say?
- Say chứng tỏ sự hết mình mà em. Đi uống với đối tác thì mình không được phép dừng trước. Mình mời người ta mà ngăn người ta uống thì còn ra thể thống gì. Còn người ta mời mình thì cũng phải xem độ nhiệt tình của người ta đến đâu.
Thực tế thì không riêng gì chị Thu mà khi hỏi bất kể người phụ nữ nào về tình hình “tửu lượng” của các anh chồng đều nghe kể không hết chuyện.
Chồng chị Hải Minh là trưởng phòng của một trung tâm dịch vụ liên quan đến lĩnh vực ngân hàng thuộc một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin lớn nhất nhì cả nước. Anh là một người rất hiền lành, yêu chiều vợ con hết mực. Trong bữa cơm hay các bữa ăn liên hoan gia đình, anh gần như không uống rượu bia. Chẳng cần vợ con nhắc nhở thì anh cũng từ chối. Thế nhưng, theo lời chị Hải Minh kể thì gần như tháng nào anh cũng phải có đến 3, 4 lần say bia, rượu do đi tiếp khách cùng các sếp.
“Lần nào anh về cũng chỉ kịp mở cửa rồi xông vào nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo, sau quay vào đổ như cây chuối xuống giường, ngủ li bì đến tận ngày hôm sau. Có hôm còn rên rỉ, gào thét vì đau đầu và đau bụng. Nhiều lần tôi nổi cáu vì thấy anh quá mệt mỏi, phờ phạc sau một chầu rượu. Nhưng thấy xót quá cũng phải đi pha nước chanh mật ong, rồi nấu cháo loãng cho chồng ăn. Tôi không hiểu nổi đàn ông người ta nghĩ gì mà lại tự chuốc khổ vào mình như vậy. Mỗi lần rượu say là như “chết lâm sàng” cả ngày. Chẳng hiểu được cái gì ở mỗi cuộc nhậu?” - chị Minh cho hay.
“Hôm vừa rồi mẹ con mình đang ở nhà hoảng hồn khi có điện thoại báo tin chồng bị ngã ngoài đường. Hai mẹ con tất cả chạy ào ra đường, gọi vội taxi chạy đến nơi thì thấy ông chồng đã nằm sõng soài trên đường còn anh bạn đi cùng thì đang cố kéo ông chồng lên xe mà mãi không lên nổi. May chỉ xây xước nhẹ. Mấy hôm sau mình vẫn chưa hoàn hồn nhưng chồng thì coi như chẳng có việc gì xảy ra, lại còn bảo mình hay lo lắng thái quá” - chị Mai, khu chung cư Nam An Khánh, Hoài Đức kể.
Không phải người phụ nữ nào cũng có thể bình tĩnh và nhẹ nhàng với mỗi lần chồng say rượu. Đã có nhiều trường hợp vợ chồng phải “tan đàn xẻ nghé” vì chồng quá say sưa “mở rộng” quan hệ, đối tác.
Tôi có anh bạn là giám đốc một công ty cổ phần ăn nên làm ra. Vợ anh là một người mẫu xinh đẹp có tiếng. Tình yêu của hai người có thời khiến cho ai khi nhắc đến cũng trầm trồ thán phục vì “trai tài gái sắc”. Ngày họ cưới nhau, anh mới chỉ lên chức trưởng phòng nhưng rồi do có năng lực mà anh đã từng bước được chọn lên làm giám đốc của một công ty trong tập đoàn. Mọi quan hệ rộng mở, anh đi công tác thường xuyên, anh tiếp khách ở nhà hàng nhiều hơn ăn cơm ở nhà. Được ngày cuối tuần dẫn vợ con đi chơi, có khi cũng phải nhờ tài xế chở vợ con về để mình còn đi gặp đối tác. Tình cảm vợ chồng cứ thế mai một rồi đứt quãng. Quá nhiều lần anh về nhà trong tình trạng nồng nặc mùi bia rượu. Cuối cùng vợ anh đã quyết định ly hôn rồi mẹ con dọn ra ở riêng.
Giờ anh đã có vợ mới. “Cô ấy nhiều hơn tôi 6 tuổi và tất nhiên không thể xinh như vợ cũ nhưng hiện tại cô ấy chấp nhận cuộc sống, công việc suốt ngày đây đó, rượu bia của tôi. Biết sao được, ai không hiểu được mình thì mình cũng không có cách gì để níu giữ” - anh bạn thở dài rồi cười nói với tôi.
Tôi hỏi anh bạn:
- Thế không có cách gì để vừa có thể làm việc với đối tác, thắt chặt quan hệ, hiệu quả công việc cao mà vừa không phải ăn nhậu?
- Nhiều khi ngồi ở bàn nhậu mới ra vấn đề. Cũng có khi kết thúc vấn đề thuận buồm xuôi gió thì mới ra bàn nhậu.
- Nhưng đâu nhất thiết là phải say?
- Thì cũng có phải lần nào cũng say đâu. Bọn mình giờ có uống nhiều đâu. Chỉ vài ba chén rượu ngoại nên cảm giác hơi “tây tây” thôi.
- Sau mỗi chầu tennist, một trận bóng giao hữu, một buổi chơi golf các anh vẫn kéo nhau ra quán, nhà hàng, bar rồi bia, rượu cả ngày, đâu phải chỉ lúc đi làm việc?
- Em cứ biết thế này, ví dụ em cần kết thân với một người bạn của anh. Người này có thể sẽ giúp em nhiều trong công việc làm ăn. Sẽ dễ dàng hơn nếu em biết và chơi với anh ta trước. Và trong tiệc trà, tiệc rượu, mỗi người một câu sẽ dễ giới thiệu, bắt quen hơn nhiều. Ông cha ta có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì trong trường hợp này bia, rượu lại được xem là đầu câu chuyện.
uong ruou bia co thuc su giup dan ong viet mo mang quan he
Bia, rượu không liên quan đến công việc, sự thăng tiến công danh của mỗi người.
Tất nhiên anh bạn tôi cũng chỉ vừa chia sẻ vừa đùa nhưng ở một góc độ nào đó tôi cũng hiểu được một thực trạng phổ biến hiện nay. Hầu hết các anh được hỏi về sở thích uống rượu bia đều trả lời rằng, đó là việc “cực chẳng đã”, không yêu thích gì, còn một số ít thì theo thói quen, sở thích tụ tập bạn bè. Kết quả đạt được sau mỗi tiệc rượu cũng thật là khó mà kiểm chứng nhưng hệ lụy của nó thì dễ dàng nhìn thấy được. Rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện uống rượu bia đã xảy ra, đặc biệt, trong thời gian gần đây, dư luận thực sự hoang mang khi liên tiếp có các vụ ngộ độc rượu tập thể xảy ra.
Câu chuyện về một ông Viện trưởng của một Viện nghiên cứu lớn của Việt Nam hẳn có người còn nhớ. Từ một miền quê nghèo, ông suốt một đời phấn đấu học tập rồi thành đạt trở thành giáo sư, tiến sĩ khoa học nhưng rồi trước thời gian nghỉ hưu, trong một lần tiếp khách có uống hơi quá chén, đi xe máy về nhà đoạn đường Láng Hạ thì gặp tai nạn. Vụ tai nạn đã khiến ông bị chấn thương sọ não, liệt nửa người, phải nhập viện hàng tháng trời. Vợ con đôn đáo bỏ làm, bỏ học thay nhau trông nom. Rồi sau đó ông phải nghỉ hưu trước thời hạn do không đủ sức khỏe để tiếp tục công tác.
Hay trong thời gian từ đầu năm đến nay, đã có nhiều vụ ngộ độc rượu xảy ra. Con số tử vong không hề nhỏ. Tất nhiên, những trường hợp này phần lớn là do uống rượu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng hoặc tỉ lệ cồn trong rượu quá lớn. Còn những trường hợp khác, uống các loại rượu bia có tem mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn nhưng uống với số lượng nhiều, số lần liên tục thì rượu nào cũng gây độc hại cho cơ thể. Số bệnh nhân mắc các bệnh về gan, phổi, dạ dày… ở nam giới tại các bệnh viện cũng vì thế mà tăng lên chóng mặt.
Không biết từ đâu, văn hóa “dzô…dzô” khi uống rượu bia lại được sử dụng nhiều đến như thế. Đi ngang các quán nhậu, dễ dàng nghe được những tràng đồng thanh: Một…hai…ba…dzô” hay những câu quen thuộc trên mâm rượu, bàn bia như “cao bằng”, “bắc cạn”, “trăm phần trăm” cùng với những tiếng lóng, tiếng đệm. Cũng không biết từ đâu, xu hướng ký hợp đồng kinh tế trên bàn rượu bia lại thịnh hành đến như vậy. Người ta giới thiệu làm quen nhau là phải trên bàn rượu, người ta đàm phán các điều khoản hợp đồng cũng phải trên bàn rượu. Và thậm chí, người ta bàn thảo những việc chia chác phần trăm, bổ nhiệm quy hoạch lãnh đạo… cũng trên bàn rượu.
Trong một bữa tiệc mà không uống với anh này một ly, anh kia một ít thì bị coi là người… khô khan tình cảm. Ngược lại, nếu bưng ly mời khắp lượt và “uống tất” với “anh em” thì được coi là “giỏi giao tiếp” . Không hiếm trường hợp có người nhờ tửu lượng cao nên được sếp đưa ra để dành tiếp khách rồi sau đó thăng chức vù vù.
Vấn nạn này làm sao giải quyết?
Việt Nam đang đứng thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Thái Lan), thứ 10 ở châu Á và 29 trên thế giới về lượng rượu bia được sử dụng. Nhiều lời cảnh báo rằng, nếu không có biện pháp mạnh tay để hạn chế tình trạng sử dụng rượu bia thì Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu về sử dụng rượu bia chứ không phải là thứ 29 trên thế giới như hiện nay.
Chưa nói đến gánh nặng bệnh tật, chỉ nói đến tai nạn giao thông do bia rượu đã đủ thấy mức độ kinh khủng đối với vấn nạn rượu bia. Các số liệu tai nạn giao thông do bia rượu khác nhau, có số liệu 60 % số bệnh nhân nhập viện do tai nạn vì uống rượu bia của Bệnh viện Việt Đức, có số liệu 40 %, có số liệu 32,6 % nhưng dù số liệu nào thì đây cũng là nguy cơ hiện hữu. Số liệu này còn chưa kể tai nạn giao thông do ngã không đến bệnh viện nếu đến bệnh viện chắc còn cao hơn. Trong khi đó ở châu Âu chỉ chiếm 11 %. Nếu so với tốc độ 6 % tăng trưởng GDP thì thiệt hại do tai nạn giao thông từ 2,5 đến 2,9 % GDP (Số liệu từ Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia).
Hiện trên thế giới đã có 168 nước đã quy định kiểm soát tính sẵn có của rượu bia, trong đó 123 nước quy định cấp phép bán rượu bia. Trong khi đó, Việt Nam còn rất thiếu các quy định về hạn chế tính sẵn có của rượu, bia: Thiếu quy định về trưng bày và in cảnh báo sức khỏe trên nhãn sản phẩm rượu, bia; thiếu quy định hạn chế tình trạng uống nhiều và say rượu bia; thiếu quy định liên quan đến địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu, bia. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, giá mua 1 lít rượu, bia liên tục giảm tính theo tỷ lệ phần trăm GDP/người. Chính giá rẻ và mức độ sẵn có cao của rượu bia đã góp phần gây ra tình trạng lạm dụng rượu bia.
Việc cơ quan quản lý đưa ra những quy định, kể cả những đạo luật đối với vấn đề rượu bia là cần thiết. Thực tế Việt Nam cũng đã có. Thế nhưng, điều quan trọng nhất vẫn là làm sao để rời bỏ một thói quen hay hạn chế một sở thích từ bao nhiêu đời nay, ăn sâu vào trong máu của người Việt mới là quan trọng.
Ông bà ta ngày xưa có câu: “Khách đến nhà không trà thì rượu”. Ngày xưa uống rượu là một phần nghi lễ trong đời sống văn hóa, xã giao của người Việt, người ta uống đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc. Cụ Nguyễn Khuyến viết: “Rượu ngon không có bạn hiền/ Không mua không phải không tiền không mua”, tức cụ Nguyễn chỉ nhậu với “bạn hiền”, còn “bạn” dạng khác hay không phải “bạn” thì cụ thà nhịn chớ không nhậu chung. Thế nhưng, con cháu các cụ ngày nay thì lại khác. Nhiều nơi đàn ông uống rượu như uống nước lã.
Thực tế, người Pháp uống rượu còn nhiều hơn người Việt. Truyền thống và công nghiệp rượu bia của Pháp mạnh hơn Việt Nam. Có điều họ biết tách biệt “nhậu” và “làm việc”. Họ cũng mời rượu nhưng khi ta nói “Non” họ hiểu là “không” chứ không phải là “để em thử nhấp môi”; khi có tiệc, dù chuyện công hay tư, đều có đồ uống không cồn cho những ai không uống rượu bia hoặc lái xe về.
Hay người phương Tây có một phong tục rất hay khi nhập tiệc là: Mỗi người một bộ đồ ăn riêng, một chai rượu riêng, một cái ly riêng, ai thích uống bao nhiêu cứ tự giác rót, không có chuyện ép uống rượu đến mức chịu không nổi ói mửa đầy bàn tiệc như ở ta. Và họ cũng không có cái kiểu ngồi ăn nhậu tì tì hết giờ này sang giờ khác.
Còn nhớ cách đây không lâu, trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, tỉ phú Donald Trump từng khẳng định với thế hệ trẻ Mỹ rằng, họ sẽ có tương lai tốt đẹp, thành công và cuộc sống viên mãn hơn nếu có lối sống phù hợp. Ông Trump cũng chia sẻ thêm rằng, ông chưa bao giờ uống một giọt rượu nào và luôn nhắc nhở các con về lối sống lành mạnh từ khi còn nhỏ. Trump nói: “Tôi bảo các con ngay từ khi chúng còn bé là không rượu, bia, thuốc lá, ma túy”.
Sau khi đọc tin này, nhiều người nói vui với nhau rằng, Donal Trump là một tỉ phú và hiện ông là đương kim Tổng thống Mỹ mà cả đời chưa uống một giọt rượu nào thì có thể suy ra chiều ngược lại rằng, không phải cứ thành công, thành đạt lại phải dính dáng đến rượu bia hay rượu, bia không liên quan gì đến công việc, đến sự thăng tiến, thành công của con người!
Lê Minh
Lời kết của Rượu Kiến Nghiệp: "Rượu bia là con dao hai lưỡi phải biết sữ dụng đúng lúc, người ta uống rượu với nhiều mục đích: xã giao, xã stress,...nhưng hãy nhớ rượu bia không phải uống để say! nễu có điều kiện hãy cảm nhận cái giá trị thật của hương vị rượu"
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN