Từ khóa
Danh mục |
07-11-2018 22:01
Trong ngôn từ của dân tộc Việt Nam ta, chữ “nhậu” hoàn toàn không hề xa lạ với bất kì ai. Nó gợi lên trong tâm trí người nói và người nghe rất nhiều kiểu loại khung cảnh khác nhau, tùy thuộc vào kinh nghiệm sống của mỗi người đã trải qua chữ “nhậu” như thế nào.
Đó có thể là một bàn tiệc vui vẻ của gia đình và bạn bè, một chầu “lai rai” giản dị giữa hai bác nông dân sau một ngày lao động vất vả, một sự “giao lưu gặp gỡ” của công nhân sau giờ tan ca, một buổi “hội ngộ” của những người bạn vài năm không gặp, một bữa tiệc mừng cô dâu chú rể trong ngày cưới, một buổi “đàm phán thương lượng” hoặc “ăn mừng thắng lợi” của các doanh nhân... Nhưng cũng có thể là khung cảnh một người đàn ông đang đánh đập vợ con, la hét chửi rủa khắp xóm, bước đi xiêu vẹo và cố nheo mắt để “nhận diện” những người xung quanh đang nhìn mình ghê tởm lẫn khiếp sợ; cũng có thể là một chiếc xe máy đèo ba bốn thanh niên đang loạng choạng trên đường, tiếng cười nói khoái chí xen lẫn những ngôn từ phát ra từ những người trên xe mà không ai có thể hiểu nổi nội dung những gì họ nói, rồi bỗng nhiên người cầm lái rồ ga phóng bạt mạng trên đường, tông vào một vài nạn nhân tội nghiệp nào đó và rồi máu lênh láng trên mặt đường… Và còn nữa, hình ảnh một nhóm thanh niên kéo nhau vào quán nhậu một cách vui vẻ thân mật, sau vài két bia quay ra đâm chém lẫn nhau vì những việc tưởng chừng như nhỏ nhặt; hình ảnh những “ma men” khi “lỡ tay quá chén” cứ khua chân múa tay và nói lảm nhảm kèm những tiếng chửi thề như người phát bệnh dại…
“Nhậu” là một nét văn hóa có ở tất cả các nền văn hóa, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, bất kể giàu nghèo, sang hèn, tôn giáo, chủng tộc… có ai mà không biết đến hoạt động thường ngày này của con người? Thế nhưng, “nhậu” như thế nào để hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến người khác vẫn là câu hỏi muôn thuở cần được giải đáp, đặc biệt trong xã hội ngày càng hiện đại của Việt Nam. Khi mà những cuộc khảo sát trên toàn thế giới đã chỉ ra một sự thật rằng “Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ bia rượu nhiều nhất thế giới”. Không biết có ai là người Việt Nam cảm thấy vui vẻ và tự hào khi nghe tin đó không??? Riêng tôi, tôi thấy lo lắng khi nghe tin đó!
Khắp đường phố Sài Gòn đầy những tấm biển cảnh báo, khuyến cáo người dân hãy là những người uống bia rượu khôn ngoan, như “Xả láng, ráng giữ mình…”, “Đã uống rượu bia, thì không lái xe”… Quốc hội nước ta cũng liên tục họp bàn, thông qua để ban hành những luật lệ ngày càng nghiêm khắc với vấn đề này như tổ chức cho Cảnh sát Giao thông kiểm tra nồng độ cồn trong máu người tham gia giao thông, xử phạt nặng các trường hợp vi phạm...
Với tư cách là một công dân Việt Nam, luôn mong muốn nước ta ngày một giàu mạnh, trở thành một nền văn minh tiên tiến trên thế giới, tôi cũng xin góp một phần nhỏ sức lực của mình trong cuộc “đại chiến dịch loại trừ mọi tác động xấu của bia rượu ra khỏi xã hội Việt Nam”. Với khả năng hạn chế của mình, tôi chỉ có thể tập trung vào câu hỏi “làm như thế nào?”. Ai cũng biết, ai cũng nghe, ai cũng nhận thức được những điều tôi vừa nêu ở trên, nhưng làm thế nào đây? Câu trả lời của tôi cũng sẽ bó hẹp phạm vi, vì tôi không đủ khả năng chỉ cách cho Quốc hội, cho các tổ chức hay các nhà khoa học xã hội, tôi chỉ xin đặt ra 7 nguyên tắc cho những ai thực sự tổ chức, tham gia cuộc “nhậu”, tức là những người thực sự cầm ly bia, rượu và uống vô người.
Và những nguyên tắc tôi nêu ra, nhằm mục đích tạo ra một thứ gọi là “văn hóa nhậu Việt Nam”…
1. Bạn không nên “nhậu” thường xuyên, chỉ nên “nhậu” hai lần một tháng. Nếu vì công việc hoặc thói quen mà bạn phải “nhậu” thì cố gắng duy trì hai lần một tuần vậy.
2. Mỗi lần “nhậu” bạn nên uống khoảng 2 lon/chai bia thôi. Nếu lâu lâu vui quá thì tăng lên 3 là cùng. Tránh để mình bị “xỉn” bạn nhé!
3. Điều này quan trọng nè! Đừng bao giờ dùng bất kì lời lẽ hoặc cách thức khiêu khích, dụ dỗ nào để người khác phải uống bia rượu vào người. Nếu người ta không muốn uống, bạn đừng cố ép. Người vì bạn mà uống vài lon bia có sẵn sàng “vào sinh ra tử” vì bạn không? Sẵn lòng uống với bạn, xỉn với bạn khác xa hoàn toàn với việc sống chết vì bạn.
4. Điều này cực kì quan trọng! Đừng bao giờ để cho bản thân mình phải uống bia, rượu vì người khác. Nếu bạn không muốn uống, hãy giữ chính kiến của mình. Những người bạn sẵn lòng bỏ rơi bạn, “tẩy chay” bạn, xem thường bạn, thậm chí đòi thật sự nghỉ chơi với bạn… chỉ vì bạn không uống với họ “vài ly” thì không thể nào là người bạn tốt được. Đó chỉ là những người xem bạn như một trò đùa, một thứ để họ thử xem “tầm ảnh hưởng” của họ đến đâu mà thôi.
Bạn hãy dùng hành động kiên quyết không uống khi không muốn uống của mình để thử xem tình bạn của họ đến đâu. Nếu họ vẫn vui vẻ chấp nhận bạn thì xin chúc mừng bạn vì bạn đang có bên mình những người bạn thật sự!
5. Đừng “nhậu” khi buồn. Khi bạn buồn, nên tâm sự với bạn bè thân là tốt nhất. Nếu buổi tâm sự có kèm bia rượu thì cố gắng giữ lấy nguyên tắc số 2. Hãy làm những việc khiến bạn vui vẻ yêu đời, các sở thích của bạn chẳng hạn. Bạn chưa nghe câu “nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm” sao? Đâu có bằng chứng nào cho thấy bia rượu có thể làm bạn vui hơn khi bạn buồn. Chỉ có tâm sự với người mà ta có thể tin tưởng mới giúp ta nhẹ lòng bạn ạ!
6. Đừng “nhậu” mà không có lí do. “Nhậu” theo thói quen có thể tính là một lí do, ví dụ tuần nào bạn cũng “nhậu” hai lần. Vậy thì ok, cứ “nhậu đi”, thói quen mà! Nhưng đừng bao giờ “nhậu” chỉ vì “không có việc gì khác để làm”, bởi vì đó chính là lúc bạn đã “nhậu” không lí do rồi đấy.
7. Luôn cố gắng kiểm soát bản thân: hành động, lời nói, cử chỉ, suy nghĩ… trong khi “nhậu” và sau khi “nhậu”. Đừng để mình trở thành một người nào đó khác khi men vào người, “trước sau như một” là tốt nhất. Những lần đầu có thể khó khăn, nhưng khi bạn quen dần, thì bạn sẽ dễ dàng kiểm soát được mình thôi.
Tôi không nói suông! Tôi là người đã vi phạm cả 7 điều trên khi còn là sinh viên, nhưng khi nhận thấy lối sống sai lầm của mình, tôi đã đặt ra chúng cho mình và thực hiện đầy đủ. Chúng thực sự hữu ích, và tôi chưa bao giờ phải ân hận vì đã ép bản thân “nhậu” theo quy củ. Và, tin tôi đi, tôi chưa hề đánh mất một người bạn nào hay đánh mất sự tôn trọng mà bạn tôi dành cho tôi khi tôi kiên quyết thực hiện nguyên tắc số 4. Trái lại, họ nể tôi hơn. Vì sao ư? Vì họ không dám làm như tôi mặc dù trong lòng họ rất muốn. Đấy là họ tâm sự với tôi như thế, chứ tôi không bịa chuyện.
Tôi hi vọng 7 nguyên tắc hình thành nên “văn hóa nhậu Việt Nam” của mình sẽ thực sự hữu ích cho nhiều người. Nếu các bạn thấy hay, hãy chia sẻ bài viết này vì cộng đồng, vì một Việt Nam thịnh vượng hơn, văn minh hơn. Một xã hội văn minh luôn luôn là một xã hội có quy củ, tôi tin rằng không ai có thể phủ nhận sự thật này.
VARD
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN