Từ khóa
Danh mục
Lượt xem: 387

10-04-2018 21:37

 

 

Từ Hoàng Hoa Tửu đến rượu Château

Tuần này tương đối rảnh rỗi, LNĐ xin phép quý độc giả không uống rượu cho “mượn” trang báo để trả lời một số thắc mắc của hội viên Hoàng Hoa Hội. Cũng giống như loạt bài “Nam vô tử như kỳ vô phong”, mục đích của loại bài này chỉ là phục vụ nhu cầu mở rộng kiến thức, chứ không hề đề cao, khuyến khích việc uống rượu; hoặc có chăng cũng trong chiều hướng tích cực, bởi vì rượu, nếu uống đúng nơi đúng lúc, và đúng cách, chỉ có lợi cho hạnh phúc gia đình: nhất là trong những gia đình mà bà vợ xuất sắc trong vai đầu bếp, còn ông chồng thì biết cách chọn rượu – Hoàng Dung-Quách Tĩnh thưở xưa, có tâm đầu ý hợp cũng chỉ đến mức đó là cùng!

I- Hoàng Hoa Tửu

Tửu sĩ TTA ở Victoria hỏi:

Tôi vẫn biết “Hoàng Hoa Hội” là hội của những người uống rượu sành điệu, nhưng rượu Hoàng Hoa là rượu chi, xưa nay tôi chỉ nghe nói, chưa từng nhìn thấy bao giờ, nói chi tới uống! Xin lão hội chủ khai sáng cho.

- Một cách ngắn gọn, hoàng hoa tửu (rượu hoàng hoa) là một loại rượu có nguồn gốc từ Trung Hoa, nấu cất bằng gạo nếp và hoa cúc vàng (hoàng hoa), để người sành điệu uống vào mùa thu.

Cho nên trong Đường thi mới có bốn câu:

"Xuân du phương thảo địa

Hạ thưởng lục hà trì

Thu ẩm hoàng hoa tửu

Đông ngâm bạch tuyết thi…"

Nghĩa là: mùa xuân du ngoạn vùng đất cỏ thơm, mùa hè ngắm ao sen xanh mướt, mùa thu uống rượu hoàng hoa, mùa đông ngâm thơ tả tuyết trắng.

Đi vào chi tiết, trước hết cũng cần phải nói cho rõ: “hoàng hoa tửu” không có gì dính dáng tới địa danh “Hoàng Hoa” của Trung Hoa. Địa danh “Hoàng Hoa”, theo sử Trung Hoa, là nơi mà vào thời Chiến Quốc và đời Đường, quân Trung Nguyên thường giao chiến với rợ Đột Khuyết và rợ Nhu Nhiên.

Còn hai chữ “hoàng hoa” có nghĩa là hoa cúc vàng, thì được sử dụng để chỉ (1) việc “đi lính thú” (tương tự “đi quân dịch” ngày nay), và (2) khi đi với chữ “tửu”, có nghĩa là “rượu hoàng hoa”.

Cả hai trường hợp sử dụng (1) và (2) đều có cùng nguyên nhân: tới mùa thu ở bắc bán cầu, hoa cúc vàng nở rộ.

Ngày xưa ở Trung Hoa, con trai không cần biết sinh vào ngày tháng nào, khi đủ tuổi đi lính thú, thì cứ tới tháng 9 âm lịch, khi hoa cúc vàng nở rộ, là phải lên đường. Vì thế, thời kỳ đi lính thú gọi là “hoàng hoa”. Dần dần, “hoàng hoa” còn mang nghĩa bóng là nơi xa xôi, hiu quạnh. Trong Kinh Thi, chương “Hoàng hoàng giả hoa” chép:

Người đi lính thú hay đi sứ phương xa nhớ nhà làm thơ “hoàng hoa”.

"Trong Chinh Phụ Ngâm có câu:

Xót người lần lữa ải xa,

Xót người nương chốn hoàng hoa dặm dài."

Trong bài “Như Tây nhật trình”, viết về chuyến đi sứ sang Pháp của mình, Trần Đình Lượng cũng có câu:

"Đường mây sớm dục sứ trời,

Pha-ri (Paris) muôn dặm mấy nhời hoàng hoa."

Tới đây nói về rượu hoàng hoa. Như đã viết ở trên, rượu hoàng hoa (hoàng hoa tửu) không dính dáng gì tới địa danh “Hoàng Hoa”, mà chỉ có nghĩa là loại rượu nấu cất bằng hoa cúc vàng (hoàng hoa), cho nên theo đúng nguyên tắc căn bản của văn phạm, hai chữ “hoàng hoa” viết thường chứ không viết hoa, trừ trường hợp được sử dụng như danh từ riêng, chẳng hạn “Hoàng Hoa Hội”, “Hoàng Hoa Quán”, v.v…

Nơi phát xuất của rượu hoàng hoa là Trung Hoa, không biết đích xác có từ thời nào, nhưng một khi đã được nhắc tới trong Ngũ Kinh thì phải xưa lắm.

Trước khi viết về cách nấu cất rượu hoàng hoa, xin được lạm bàn về câu “Thu ẩm hoàng hoa tửu” trong Kinh Thi. Tại sao mùa thu lại uống rượu hoàng hoa? Theo sách vở để lại, bởi vì vào mùa thu, hay viết một cách chính xác hơn, vào tiết “Trùng Cửu” (ngày 9 tháng 9 âm lịch, còn gọi là tiết “Trùng Dương” vì số 9 thuộc dương), là lúc hoa cúc vàng nở rộ, vừa ngắm hoa cúc vừa uống rượu cúc thì không gì tuyệt vời cho bằng!

Cũng nên biết ở bắc bán cầu, mỗi năm hoa cúc nở hai lần, một lần vào mùa xuân, một lần vào mùa thu. Mùa xuân trăm hoa đua nở, thì cúc cũng chỉ là một trong “trăm hoa”, chưa kể sắc hương còn có phần thua kém nhiều loài hoa quý. Nhưng tới mùa thu, khi cây lá úa vàng, mọi loài hoa khác đã vắng bóng, thì những bụi cúc trong chậu, ngoài vườn vẫn xanh tốt, vẫn trổ hoa.

Thành thử, khi sách vở viết rằng hoa cúc nở đẹp nhất vào mùa thu, tiết Trùng Cửu, thì chúng ta phải hiểu rằng những bông cúc mùa thu ấy chưa chắc đã “đẹp” hơn, hoặc bằng cúc mùa xuân, nhưng bởi vì vào mùa thu, chỉ có một mình hoa cúc “độc diễn”, nên người ta mới có cảm tưởng hoa cúc nở đẹp nhất vào mùa thu!

Đặc điểm nở rộ vào mùa thu của hoa cúc còn được các cụ sánh với khí tiết của người quân tử, cho nên cái thú “Thu ẩm hoàng hoa tửu” và ngắm cúc vàng càng thêm phần… chính nghĩa!

Tới đây, viết về công việc nấu cất hoàng hoa tửu. Người Trung Hoa vốn có truyền thống “dấu nghề”, cách nấu đậu đỏ bánh lọt, làm đậu phộng da cá, nhồi bột bánh bao, băm thịt làm xíu-mại, nhân hoành thánh…, họ còn dấu, nói gì tới cách nấu cất hoàng hoa tửu! Cho nên cách nấu cất hoàng hoa tửu của người Việt chưa chắc đã là chân truyền từ Trung Hoa.

Thế nhưng trong lĩnh vực ẩm thực, qua rất nhiều trường hợp, yếu tố chân truyền không quan trọng bằng óc sáng tạo và kinh nghiệm. Thu hẹp trong việc nấu cất rượu, như LNĐ đã từng viết trong loạt bài nói về nguồn gốc các loại rượu, rượu whisky Mỹ (Bourbon) là do di dân gốc Ái-nhĩ-lan, vì không có lúa mạch, bèn nấu đại… bằng bắp. Ngày nay, trên trái đất này, thử hỏi còn mấy người uống rượu “whisky Ái-nhĩ-lan” chân truyền, trong khi có hàng trăm triệu người thưởng thức các loại whiskey Mỹ, như Wild Turkey, Jack Daniel’s, Jim Beam, Cougar…

Suy ra, hoàng hoa tửu của Mít tộc chưa chắc đã thua kém hoàng hoa tửu của Hán tộc!

Nhưng (lại “nhưng”), chịu ảnh hưởng văn minh Hán tộc, Mít tộc cũng học được “đức tính” dấu nghề! Hậu quả, theo lời Viên Trân, một “cô bán rượu cao cấp” trong nước (được gọi là “nghệ nhân”), hiện nay ở nước Việt Nam hơn 80 triệu dân, chỉ còn khoảng 10 gia đình biết bí quyết nấu cất hoàng hoa tửu!

Về căn bản, hoàng hoa tửu là một loại rượu mạnh, cất bằng nếp và hoa cúc vàng. Trong một bài viết được phổ biến trên internet, một tác giả nọ đã viết “hoàng hoa tửu được chưng cất từ hoa cúc”.

Viết như thế là thiếu, bởi vì nếu chỉ có hoa cúc mà thôi, khi được chưng cất sẽ thành… nước hoa (dầu thơm)! Còn muốn chưng cất rượu, bắt buộc phải có một hay nhiều thành phần có khả năng lên men (nho, ngũ cốc, trái cây…), và trong trường hợp của hoàng hoa tửu, thành phần ấy chính là nếp.

Bản dịch Anh ngữ bài viết về Viên Trân được phổ biến trên Internet viết:

“Called hoang hoa tuu, the wine is made of Indian chrysanthemums and sticky rice and buried underground in a container for six to 10 years”.

(Rượu có tên là hoàng hoa tửu, làm bằng hoa cúc Ấn-độ và gạo nếp, được đựng trong bình chôn dưới đất từ sáu tới 10 năm)

“Hoa cúc Ấn-độ” nói tới ở đây là hoa cúc vàng (hoàng hoa), còn gọi là “kim cúc”. Cũng nên biết, “kim cúc” và “bạch cúc” được người Tàu người Việt sử dụng trong lĩnh vực trà rượu, là giống hoa cúc nhỏ, chỉ bằng cái nút áo măng-tô, chứ không phải cúc đại đóa.

Đặc tính của “kim cúc” là có mùi vị thơm ngọt, còn “bạch cúc” thì thơm nhẹ và vị đắng. Vì thế “kim cúc” được sử dụng để nấu rượu còn “bạch cúc” để ướp trà.

Tới đây, tất cả những gì chúng ta được biết về hoàng hoa tửu là loại rượu này được chưng cất (distilled) từ gạo nếp và kim cúc. Còn chưng cất như thế nào, chưng cất chung hai thứ hay chưng cất riêng rẽ rồi sau đó pha trộn – như nguyên tắc rượu mùi (vermouth) của tây phương – không ai được biết.

Thậm chí cả tới việc phơi khô hay không phơi khô hoa cúc trước khi chưng cất, hai tác giả hai của bài viết trên Internet cũng viết khác nhau (mặc dù cả hai đều nói rằng họ viết theo lời kể của Viên Trân!)

Cũng nên biết, theo nguyên tắc chưng cất nước hoa cũng như các loại rượu mùi của người tây phương, thì hoa và thảo mộc chỉ được “ủ” chứ không phơi khô….

Nói về cách thưởng thức hoàng hoa tửu, về căn bản cũng như tương tự như uống trà cúc; nghĩa là uống bằng chén sứ trắng, và bỏ một vài bông hoa khô vào.

Nhưng (lại chữ “nhưng”), thời buổi ngày nay làm sao có được hoàng hoa tửu để uống; và điều quan trọng hơn nữa là cho dù hoàng hoa tửu của “nghệ nhân” Viên Trân trong nước hiện nay là hoàng hoa tửu thứ thiệt, uống vào chúng ta có cảm thấy ngon hay không, khó lòng mà nói trước!

Cho nên, hai chữ “Hoàng Hoa” trong danh xưng “Hoàng Hoa Hội” xin được hiểu theo nghĩa bóng: hội của những người uống rượu sành điệu, và dĩ nhiên, tư cách đầy mình!

Và trong khi không còn cơ hội uống rượu cúc, các hội viên Hoàng Hoa Hội vẫn có thể tiếp tục thưởng thức trà cúc, theo phương cách đơn giản sau đây: trà không ướp + bạch cúc (hoa khô) + cam thảo; sau khi rót trà ra chén, lấy một bông cúc trong bình trà thả vào chén trà, thì cũng sẽ có đủ “vị, hương, sắc” của bạch cúc như đã được mô tả trong sách vở của các cụ ngày xưa…

Bên cạnh đó, theo đông y, bạch cúc còn được xem là vị “mát” (trái với “nóng”). Đúng ra, ngày còn ở Việt Nam, công thức đầy đủ mà LNĐ được một đàn anh trong văn giới chỉ bày là: trà không ướp + bạch cúc + liên tu + cam thảo.

Bạch cúc và liên tu (râu hoa sen) có công dụng “mát”, còn cam thảo đem lại cái “hậu” cho trà.

Dĩ nhiên, “liên tu” nhắc tới ở đây là từ Hán – Việt, không dính dáng gì tới thành ngữ “liên tu bất tận” trong tiếng Việt, thường bị hiểu theo một nghĩa không tiện viết ra trên trang báo này.

II- Rượu Châteaux:

Ông HNT ở Nam Úc hỏi:

Có đôi lần tôi được nghe nói về “rượu vang Châteaux” của vùng Bordeaux là loại rượu vang cao cấp nhất của Pháp, giá cả ngàn đô-la một chai. Nhưng gần đây, vô tình đọc được một hướng dẫn mua quà tặng Christmas của giới thượng lưu ở Úc, tôi thấy một chai Château giá chỉ hơn 200… Xin LNĐ cho biết những thông tin, chỉ dẫn chính xác về loại rượu này.

 rượu chateau

Rượu Chateau

Viết về rượu “Château” của Pháp, muốn gọi là “tạm đủ” cũng phải mất vài kỳ báo, trong khi LNĐ thì cho rằng loại rượu này chỉ nên “đọc cho biết biết rồi bỏ qua”, nên xin phép viết ngắn gọn trong một kỳ.

Trước hết nói về chữ “château” trong tiếng Pháp (số nhiều viết là “châteaux”), có nghĩa là “lâu đài” (“castle” trong tiếng Anh). Tuy nhiên, khi được sử dụng trong kỹ nghệ rượu vang của Pháp, chữ “château” chỉ có nghĩa là “điền trang” (“estate” trong tiếng Anh).

Tại Pháp hiện nay, chữ “châteaux” (không viết hoa) ấy thường được sử dụng để gọi hơn 8500 nhà sản xuất rượu vang (wine producers) trong vùng Bordeaux. Trong số này, có 60 nhà sản xuất (có tài liệu ghi 57, có lẽ là số liệu cũ) sử dụng chữ “Château” (viết hoa) trong tên hãng rượu của mình, chẳng hạn các hãng rượu Château Lafite Rothschild, Château Margaux, Château Latour, v.v…

Và 60 nhà sản xuất lấy tên hãng là “Château” ấy đã tung ra khoảng 220 chai rượu vang mang tên “Château…”

Nguyên nhân đưa tới việc sử dụng chữ “château” để gọi các cơ sở sản xuất rượu vang ở vùng Bordeaux, có thể vì ngày xưa chủ nhân thường là các lãnh chúa, các nhà quý tộc, và cơ sở sản xuất của họ là các lâu đài.

Trước khi viết về “rượu Château”, cũng nên có đôi hàng về “rượu Bordeaux” nói chung.

Bordeaux là tên một thành phố cảng, nằm ở cửa sông Gironde đổ ra Đại Tây Dương, ở tây nam nước Pháp. Về hành chính, thành phố Bordeaux là “quận lỵ” của quận (arondissement) Bordeaux, đồng thời cũng là “tỉnh lỵ” của tỉnh Gironde, và thủ phủ của cả vùng Aquitaine. Người dân ở Bordeaux gọi là Bordelais.

Bordeaux được ghi nhận là một trong những vùng sản xuất rượu vang đầu tiên trên thế giới (thế kỷ thứ 8), lớn nhất thế giới, nổi tiếng nhất thế giới, và từ bao năm qua, đã được xem là “thủ đô của rượu vang toàn thế giới”.

Sản lượng trung bình hàng năm của Bordeaux là 700 triệu chai, trong số đó 89% là vang đỏ, còn lại là rượu vang ngọt nổi tiếng thế giới (Château d’Yquem) và rượu sủi bọt (sparkling wines), trước kia gọi là sâm-banh (champagne), nhưng sau khi tòa án Liên hiệp Âu châu phán quyết chỉ có rượu sủi bọt sản xuất ở vùng Champagne mới được gọi là “rượu champagne”, người ta đã gọi rượu sủi bọt sản xuất ở vùng Bordeaux là “Crémant de Bordeaux”.

Ngoài ra, Bordeaux còn sản xuất một loại rượu nặng (brandy) nổi tiếng, gọi là “Fine Bordeaux”.

Bordeaux cũng là nơi tổ chức hội chợ rượu vang Vinexpo nổi tiếng nhất thế giới.

“Ngũ đại gia”?

Nếu ở vùng Cognac có “bát đại gia” của rượu cognac, thì ở vùng Bordeaux cũng có “ngũ đại gia”, nơi sản xuất 5 chai vang đỏ đắt tiền nhất thế giới, là các chai sau đây (theo thứ tự cao thấp):

– Château Lafite-Rothschild

– Château Margaux

– Château Latour

– Château Haut-Brion

– Château Mouton Rothschild

Năm chai vang đỏ nói trên được đánh giá qua một phương thức xếp hạng có tên (dịch sang tiếng Anh) là “Bordeaux Wine Official Classification of 1855”.

Nguyên vào năm 1855, nhân có cuộc Triển lãm Toàn cầu tại kinh thành ánh sáng Ba-lê (Exposition Universelle de Paris 1855), Hoàng đế Nã-phá-luân đệ Tam đã chỉ thị vùng Bordeaux chọn 4 chai rượu vang đỏ ngon nhất để triển lãm.

Nhưng hãng nào mà không cho rằng rượu của mình là “ngon nhất”?! Cuối cùng họ đã đi tới một thỏa thuận: chọn 4 chai rượu “đắt tiền nhất”. Kết quả là 4 chai Château Lafite-Rothchild, Château Margaux, Château Latour và Château Haut-Brion đã được đại diện cho vùng Bordeaux để triển lãm.

Sau đó, phương thức xếp hạng theo giá tiền, tức “Bordeaux Wine Official Classification of 1855”, đã được áp dụng cho tất cả mọi chai vang đỏ mang tên “Château” của vùng Bordeaux. Theo tài liệu mới nhất trên Internet mà LNĐ đọc được, thì trong số hơn 200 chai Château, hiện nay có 62 chai được đưa vào danh sách “rượu xịn”, gồm 5 thứ hạng, từ hạng nhất – Premier grands crus classés (First Great Growths) tới hạng 5 – Cinquième grands crus classés (Fifth Great Growths).

Hạng nhất gồm 4 chai rượu “triển lãm” đã kể trên; tới năm 1973, chai Château Mouton Rothschild được nâng cấp, từ hạng nhì lên hạng nhất, nâng tổng số thành 5 chai.

Tới đây, nói về giá cả của các chai “Château”, LNĐ có thể viết: thượng vàng hạ cám. Nói có sách mách có chứng, một quảng cáo trên Internet về giá rượu Château đã ghi):

– Château Latour 2005 – 750 ml: $1,999.99 (tiền Úc). Sale price: $1,949.99

– Château De Sales Pomerol 2006 – 750 ml. Price: $29.99.

– Château Margaux 2003 – 750 ml: $1,099.99. Sale price: $919.99

Như vậy, cùng là rượu Château, chai Château Latour 2005 giá gấp 65 lần chai Château De Sales Pomerol 2006 – là chai không được nằm trong danh sách 5 thứ hạng kể trên!

LNĐ không biết chai Château mà ông HNT đọc được trên quảng cáo hướng dẫn là của hãng nào, nhưng chắc chắn chai đó phải nằm trong danh sách rượu xịn.

Cũng cần nói thêm, theo giá cả ghi trên Internet, giá trung bình của một chai Château Margaux khi mới bán ra chỉ vào khoảng 150 tới 200 đô-la Úc. Nhưng vì số lượng sản suất hạn chế (mỗi năm chỉ có 150.000 chai cho toàn thế giới), cho nên tùy vào cách biệt giữa cung cầu, và tùy mùa nho, có những chai sau đó đã được bán lại với giá gấp chục lần.

Sau đây là một số kỷ lục về giá của rượu Château của vùng Bordeaux:

– Một chai Château Margaux mùa nho 1787 (2 năm trước khi xảy ra cuộc Cách mạng Pháp 1789) hiện được bảo hiểm với trị giá kỷ lục là 225,000 đô-la Úc.

– Một chai Château Lafite-Rothschild cũng mùa nho 1787, bán đấu giá với giá kỷ lục 160,000 đô-la Úc. Chai rượu này nguyên là của ông Thomas Jefferson, tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, về sau trở thành vị Tổng thống thứ ba của Hiệp chủng quốc. Dĩ nhiên, chai rượu cũ trên 200 năm này chỉ có giá trị sưu tầm, chứ không còn uống được!

– Trong một cuộc đấu giá vào ngày 28 tháng 9 năm 2006, các chai rượu mùa nho 1945 của Château Mouton Rothschild đã tạo kỷ lục “tập thể” sau đây: 6 chai magnum (1.5 lít) bán với giá 345,000 đô-la Úc, và 12 chai bình thường (750ml) với giá 290,000. Cộng cả hai lại rồi tính đổ đồng, một chai

- Château Mouton Rothschild 750ml giá 28,750 đô-la Úc!

Nhưng nếu chỉ nói về giá của một chai vang đỏ của Pháp khi mới được bán ra (new release), thì hai chai đắt tiền nhất lại không phải là sản phẩm của “ngũ đại gia”, mà chai Château Pétrus của vùng

Bordeaux và chai Romanée Conti của vùng Burgundy.

Sở dĩ chai Château Pétrus không có tên trong danh sách “ngũ đại gia” là vì hãng rượu này nằm ở tổng Pomerol, nơi duy nhất ở vùng Bordeaux không chấp nhận phương thức xếp hạng “Bordeaux Wine Official Classification of 1855”. Giá một chai Château Pétrus mùa nho mới bán ra vào khoảng 1000 đô-la Úc.

Còn chai Romanée Conti của vùng Burgundy thì giá tới 3000 đô-la một chai, được chinh thức ghi nhận là “chai vang đỏ mùa nho mới đắt giá nhất thế giới”.

Cũng nên biết chai Romanée Conti, cũng như hầu hết vang đỏ của vùng Burgundy, làm bằng nho Pinot Noir, là loại nho quý phái, khó tính và… ái quốc – đem đi nơi nào trồng cũng không thể cho rượu ngon như trồng ở Burgundy!

Giai thoại và huyền thoại

(1) Rothschild:

Những độc giả nào quan tâm tới nền tài chánh quốc tế, hẳn không xa lạ gì với cái tên Rothschild, bởi đó là hệ thống ngân hàng và tài chánh quốc tế lớn nhất, mạnh nhất, và giàu nhất thế giới. Rothschild là tên một dòng họ, và dòng họ này cũng chính là chủ nhân của hai trong “ngũ đại gia” của rượu vang vùng Bordeaux: Château Lafite-Rothschild và Château Mouton Rothschild.

Dòng họ Rothschild có nguồn gốc Do-thái, có truyền thống tài chánh ngân hàng từ ngày chưa có… ngân hàng. Đọc truyện cũ của Pháp, chúng ta thường thấy ở Âu châu thời đó, thành phố nào cũng có ít nhất một tiệm cầm đồ do người Do-thái làm chủ, kiêm cả công việc cho vay tiền với lãi xuất “xanh xít đít đuôi” (cing: six – dix: douze)!

[Trước đây, do chịu ảnh hưởng ngôn ngữ của Pháp, khi nhắc tới dòng họ Rothschild, người Việt thường phát âm theo tiếng Pháp là “Rốt-sin”]

Từ đầu thế kỷ thứ 19, dòng họ Rothschild bắt đầu tìm cách hòa nhập vào tầng lớp quý tộc ở Đức, Pháp và Anh quốc (chủ nhân đầu tiên của hai hãng rượu Château Lafite-Rothschild và Château

Mouton Rothschild đều là các vị Bá tước mang họ Rothschild.

Trước khi xảy ra Thế chiến Thứ nhất, các ngân hàng và cơ sở tài chánh của dòng họ Rothschild đã phát triển mạnh tại Hoa Kỳ, và vào thời gian trước khi xảy ra Thế chiến Thứ hai, người ta ước đoán dòng họ Rothschild nắm trong tay 30% tài chánh của cả Hiệp chủng quốc! Và nghe kể lại, trước khi quyết định tuyên chiến với Đức Quốc Xã, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã phải “nói chuyện” với các tay lãnh đạo dòng họ Rothschild ở Hoa Kỳ, để bảo đảm sự hậu thuẫn tài chánh!

(2) Margaux:

Tuy đứng hạng nhì trong “ngũ đại gia” của Bordeaux, nhưng hình như nói tới rượu vang đỏ Bordeaux là dân sành rượu lại nhắc tới “Château Margaux”; không hiểu vì rượu Château Margaux được nhiều người ưa chuộng hơn, hay chỉ đơn thuần vì chữ “Margaux” mang nhiều âm hưởng “Pháp” hơn là chữ “Rothschild”?!

Một trong những danh nhân ưa chuộng, phải nói là “mê” vang đỏ Château Margaux, là văn hào Ernest Hemingway của Mỹ, người đoạt giải Nobel Văn chương năm 1954, tác giả những cuốn truyện nổi tiếng như The Old Man and the Sea (Ngư ông và biển cả), A Farewell to Arms (Giã từ vũ khí)… Do ảnh hưởng của ông, con cháu cũng đều mê vang đỏ Château Margaux.

Người cháu nội đầu tiên (cháu gái) của Ernest Hemingway có tên là Margaux Hemingway – người mẫu kiêm nữ diễn viên điện ảnh, nổi tiếng với phim Lipstick.

Có hai giai thoại về cái tên “Margaux” này. Giai thoại thứ nhất nói rằng chính Ernest Hemingway, vì mê rượu vang Château Margaux nên đã “ra lệnh” cho trưởng nam Jack Hemingway đặt tên con gái là “Margaux”.

Giai thoại thứ hai do chính Margaux Hemingway kể, theo đó tên khai sanh của cô là Margot Hemingway; nhưng sau này lớn lên, được nghe mẹ kể lại rằng vào đêm bà thụ thai cô, hai ông bà đã cùng nhau “cạn” một chai Margaux Hemingway tự tử, cho nên cô, bản thân cũng mê Château Margaux, đã xin đổi tên thành Margaux Hemingway.

Về sau, cả hai ông cháu đều tự tử: Ernest Hemingway tự tử bằng súng năm 1961, còn Margaux Hemingway tự tử bằng cách “overdosed” vào năm 1996.

Tuy nhiên cũng xin nói rõ để những người mê vang đỏ được yên tâm: cả hai ông cháu đều tự tử vì bị tâm thần, chứ không phải vì… say rượu

Vang đỏ (loại xịn, dĩ nhiên) của vùng Bordeaux sở dĩ nổi tiếng nhất thế giới là vì đạt tới đỉnh cao của cả sắc – hương – vị. Sắc của vang đỏ Bordeaux (mà người Việt thường gọi là “màu đỏ Bordeaux”), tiếng Pháp gọi là “clairet”, tiếng Anh gọi là “claret”. Trước kia ở Anh, từ “claret” được sử dụng độc quyền để gọi “vang đỏ của Bordeaux”, nhưng ngày nay đã bị sử dụng bừa bãi, thậm chí có hãng còn gọi rượu ngọt “rosé” là “claret”!

“Sắc – hương – vị” của vang đỏ Bordeaux chính là 3 đặc điểm của cabernet sauvignon mà LNĐ đã viết trước đây, bởi vì vang đỏ Bordeaux chủ yếu làm bằng loại nho này. Cũng cần viết thêm: rượu vang sản xuất ở Pháp nói riêng, ở các nước Âu – Mỹ nói chung, không ghi loại nho trên nhãn rượu (như ở Úc), cho nên muốn biết thì phải tìm hiểu.

Wolf Blass Shiraz Platinum Label

Platinum Label của hãng Wolf Blass: “dzừa đủ xài”!

Còn những chai shiraz ngon nhất, nổi tiếng nhất lại là của vùng Hermitage, trong thung lũng sông Rhône, miền nam nước Pháp. Nguyên nhân: nho shiraz (người Pháp gọi là “syrah”) trồng trên các sườn đồi ở Hermitage, nơi có khí hậu ôn đới và những làn gió mát từ Địa trung hải, được xem là số 1 thế giới.

Về sau, có người lấy giống nho shiraz ở Hermitage đem sang Úc trồng, với kết quả từ bằng cho tới hơn shiraz trồng ở Hermitage, đưa tới việc hãng Penfolds cho ra đời chai shiraz “Grange Hermitage” nổi tiếng thế giới.

Tới năm 1989, sau khi có sự kiện cáo của Pháp, Tòa án Liên hiệp Âu châu đã ra phán quyết về độc quyền sử dụng danh xưng địa phương đối với chữ “Champagne” và “Hermitage”.

Theo phán quyết này, từ năm 1990 trở đi, chỉ có rượu sâm-banh (champagne) sản xuất ở vùng Champagne của Pháp mới được ghi trên nhãn là “rượu champagne”, và chỉ có vang đỏ sản xuất ở vùng Hermitage mới được ghi chữ “Hermitage”.

Vì thế, bắt đầu từ mùa nho 1990, chai shiraz “Grange Hermitage” của hãng Penfolds chỉ còn lại chữ “Grange” trên nhãn rượu.

Nhắc lại việc này, LNĐ không có ý chê người Pháp “bần tiện” mà chỉ cốt để mọi người thấy rượu vang của Úc, nhất là vang đỏ, không thua gì rượu vang của Pháp. Phần viết về “rượu Château” trong số báo trước chỉ có mục đích duy nhất, như ông HNT đã yêu cầu, là đem lại những thông tin, hiểu biết về loại rượu nổi tiếng này, để lỡ có tay nào đem chữ “Château” ra để hù dọa, mình còn biết đường mà đối đáp.

Để khỏi “nhức đầu” với trên 200 loại “Château” thượng vàng hạ cám của Bordeaux, các hội viên Hoàng Hoa Hội chỉ cần nhớ 5 chai của “ngũ đại gia”: Château Lafite-Rothschild, Château Margaux, Château Latour, Château Haut-Brion, Château Mouton Rothschild cộng thêm chai Château Pétrus (cũng của vùng Bordeaux) và chai Romanée Conti của vùng Burgundy, vị chi là 7 chai.

Nếu được người ta khoe, hoặc mời uống rượu “Château” nhưng không phải 7 chai “xịn” nói trên, thì bên cạnh sự tế nhị tùy từng trường hợp, các hội viên Hoàng Hoa Hội có thể phán chắc ăn như bắp rằng: không bằng chai cabernet sauvignon “Bin 707” của hãng Penfolds, hoặc chai cabernet sauvignon “Thomas Hardy” của hãng Hardys!

Đó là nói về cabernet sauvignon, còn shiraz thì tính trên khắp thế giới, nếu chỉ tính giá của một chai rượu mùa nho mới, thì chai shiraz “Grange” của hãng Penfolds cũng tương được, hoặc có khi còn đắt hơn chai “Domaine Jean-Louis Chave Red Hermitage”, vốn là chai shiraz nổi tiếng bậc nhất của vùng Hermitage!

Theo giá bán trên Internet, thì chai này của mùa nho 2007 chỉ giá khoảng 175 đô-la Úc, tức là chỉ đắt hơn chai shiraz “Platinum Label” của hãng Wolf Blass và chai “Michael” của hãng Wynns.

Nhân tiện, LNĐ cũng xin đưa ra nhận xét của cá nhân, và cũng là của một số bạn người Úc: muốn thưởng thức cái ngon của rượu shiraz, thì uống chai “Platinum Label” hoặc chai “Michael” nói trên là đủ, không cần phải chơi tới chai “Grange”, nhiều khi đắt tiền chỉ vì cái “nêm”, còn uống chưa chắc đã “cảm thấy” ngon hơn!

Trên đây chỉ nói về vang đỏ, còn nói về vang trắng, thì LNĐ có thể viết một cách dứt khoát, quyết liệt hơn: vang trắng của Úc, căn bản là chardonnay, là nhất thế giới. Không cần phải là triệu phú để chơi những chai trên 100 đô-la như chai Yattarna của hãng Penfolds (vốn được mệnh danh là “white Grange”), mà chỉ cần uống chai Voyager Estate Chardonnay (khoảng 35 đô-la), hay chai Penfolds Reserve Bin 00A (khoảng 60 đô-la) là đã có quyền vỗ ngực tự xưng là người sành điệu!

Mùa nho 2008

Mùa nho (vintage) nói chung, gồm vô số loại nho để làm đủ thứ rượu vang, nhưng vì nho để làm rượu đỏ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của thời tiết mưa nắng, cho nên khi “bàn” về một mùa nho, có nghĩa là bàn về vang đỏ. Không chỉ “bàn” mà còn “cãi”!

Trên thực tế, từ trước tới nay ở Úc, nhắc tới “mùa nho” là có tranh cãi. Vì nhiều nguyên nhân phức tạp; chẳng hạn, cùng một năm nhưng điều kiện thời tiết mỗi nơi có thể khác nhau, hoặc thiếu sự “nhất trí” giữa những người có tiếng nói, có uy tín trong lĩnh vực này; hoặc đơn thuần chỉ là những sự đánh bóng một mùa nho không nổi bật, hay những cố gắng… tuyệt vọng trong việc giải quyết số lượng rượu ứ đọng vì dư thừa, ế ẩm.

Một trong những mặt tiêu cực của thú uống rượu là gây nhức đầu (nghĩa đen), cho nên chủ trương của LNĐ khi thành lập Hoàng Hoa Hội là giúp các hội viên càng đỡ nhức đầu (nghĩa bóng) càng tốt. Vì thế, lời khuyên thứ nhất của LNĐ là: nếu chỉ mua rượu đỏ giá dưới 20 đô-la một chai (thường là loại chỉ có khả năng để “short term”: 3 tới 5 năm) thì nên… forget mùa nho đi. Bởi vì loại rượu “hàng ngày dùng đủ” này được làm bằng nho hạng bét, hoặc áp chót, mùa nho nào cũng xêm-xêm!

Lời khuyên thứ hai cũng không ngoài mục đích giúp các hội viên đỡ nhức đầu, là nếu trữ rượu với mục đích duy nhất để uống, thì cũng nên… quên mùa nho đi!

Bởi vì với các tửu sĩ thuộc thành phần này, việc lựa chọn loại rượu mình ưa thích, uống quen miệng, và thời gian “để dành” quan trọng hơn là mùa nho.

Lời khuyên thứ ba: nếu trữ rượu với mục đích sưu tầm, giữ làm của, hoặc chỉ đơn thuần với mục đích khi khui rượu để đãi bạn hiền có quyền hãnh diện mình là dân chơi sành điệu, thì cũng không nên chỉ tin vào một vài bài báo, một vài kết quả chấm điểm vang đỏ.

Lấy mùa nho 2008 mà một số hội viên Hoàng Hoa Hội đã hỏi để làm thí dụ điển hình.

Trước hết nói về huyền thoại “năm chẵn năm lẻ” mà nay đã trở thành tiêu chuẩn chọn vang đỏ của nhiều người. Theo đó, ở Úc, nho của năm chẵn luôn luôn ngon hơn nho của năm lẻ. Bằng cớ là các chai shiraz “Grange” của hãng Penfolds đoạt các giải thưởng quốc tế từ trước tới nay (trừ chai của mùa nho 1981) đều là các mùa nho năm chẵn: 1976 – 1986 –1990 – 1998.

(Trường hợp đặc biệt: các chai shiraz Platinum Label nổi tiếng của hãng Wolf blass đều là các năm lẻ!)

Nhìn vào bốn năm nói trên, chúng ta thấy mùa nho “mới” nhất là 1998. Suy ra, ít nhất cũng là với chai shiraz “Grange”, các mùa mùa nho từ 1999 trở về sau, còn đang chờ lịch sử… định công luận tội!

Từ đó có thể suy ra: còn quá sớm để đánh giá mùa nho 2008!

Thế nhưng qua đọc các bài báo hoặc các quảng cáo, chúng ta thấy đã có quá nhiều người ca tụng mùa nho 2008.

Người đầu tiên là “Sir” Jon Stanhope, nhà lãnh đạo Lãnh thổ Thủ đô Úc (ACT). Ngay đầu năm 2008, ông đã tuyên bố quyết định chọn nho của mùa 2008, để sản xuất các chai vang đỏ đánh dấu 100 năm ngày thành lập Lãnh thổ Thủ đô (1913 – 2013).

Tới giữa năm (2008), Hiệp hội các nhà trồng nho làm rượu vang của Úc cũng lên tiếng ca tụng mùa nho 2008, gọi đây là sự hồi phục sau mùa nho 2007.

Sau đó, me-xừ Steve Webber, sếp sản xuất rượu vang của hãng De Bortoli ở Yarra Valley, cũng không tiếc lời ca tụng mùa nho 2008, ít nhất cũng là những chai… của hãng De Bortoli!

Thế nhưng cũng ngay trong những ngày đầu thu hoạch của mùa nho 2008, hệ thống truyền thông quốc gia ABC đã gọi mùa nho 2008 ở Nam Úc là “one to forget”. Mà Nam Úc là trái tim của kỹ nghệ rượu vang Úc!

Nhìn chung, số người khen mùa nho 2008 nhiều hơn số người chê. Tuy nhiên, cổ nhân đã có câu “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, chúng ta ta phải xét xem “số đông khen” ấy có uy tín bằng “số ít chê” hay không?

Riêng LNĐ có quen biết một “tửu sĩ Úc” đã lớn tuổi, một đời kinh nghiệm uống rượu vang, ông là người từng được uống chai Château Mouton Rothschild giá 28,750 đô-la Úc của Pháp, và (nguyên văn lời ông) …chỉ mấy năm sau, đọc báo mới biết mình đã được uống một chai rượu mắc tiền tới mức ấy, còn khi uống cũng chỉ thấy tương đương với chai Bin 707 của Úc mà thôi!

Vậy khi được LNĐ hỏi về mùa nho 2008, vị tửu sĩ Úc đã trả lời đại khái: năm 2008 là năm hồi phục của kỹ nghệ trồng nho ở Úc sau hai năm 2006, 2007 bị hạn hán trầm trọng, cho nên xảy ra việc “sản xuất quá đà”, vì thế nay người ta phải ca tụng để dụ người mua!

Lý luận căn bản của vị tửu sĩ Úc là: vang đỏ của năm nào mà mùa hè vừa ngắn vừa nóng thì không thể ngon. Vì thế, cũng theo ông, muốn trữ rượu đỏ, tốt hơn hết nên để dành tiền mà mua rượu của mùa nho 2010.

Đó là “người quen” của LNĐ, còn nếu các hội viên Hoàng Hoa Hội muốn tìm hiểu tới nơi tới chốn từ một tác giả uy tín, LNĐ xin giới thiệu (không công) một me-xừ James Halliday – tác giả cuốn Australian Wine Companion, kiêm tác giả hai cuốn James Halliday’s Wine Atlas of Australia và The Australian Wine Encyclopedia.

James Halliday là một nhà “bình rượu” (wine critic) quốc tế, từng làm giám khảo nhiều cuộc thi rượu vang quốc tế, ắt phải được nằm trong số “quý hồ tinh”.

Theo Lão Ngoan Đồng-Báo TVTS

 

Rượu Kiến Nghiệp chuyên cung cấp rượu ngoại sỉ và lẻ toàn quốc!

Rượu bia không dành cho người dưới 18 tuổi và phụ nữ đang mang thai, uống rượu là không lái xe.

Tham Khảo Điều Khoản.

luaath rượu bia mới nhất


RƯỢU KIẾN NGHIỆP

Chăm sóc khách hàng 24/7: 0366882894 - 0908512280
Mail: [email protected]
Copyright © 2018. RuouKienNghiep.Com

Thiết kế bởi Thiết Kế Web Giá Rẻ