Từ khóa
Danh mục
Lượt xem: 257

01-06-2018 16:17

 

 

Rượu chỉ dành cho người sành uống chứ không phải dân nhậu

Tôi là một người thích uống rượu nặng, nhưng không phải là một người thích nhậu.

Thích rượu không phải là một thứ đáng tự hào. Nhưng rượu, cũng như rất nhiều thứ đã tồn tại xuyên suốt lịch sử loài người, mang nhiều giá trị văn hóa. Đằng sau mỗi chai rượu có thể là một câu chuyện. Nó xứng đáng là một sở thích.

Tôi nhớ một đêm rất xa, trong một khách sạn vắng, ở một thành phố quạnh quẽ, tôi xuống quầy bar, không biết làm gì cho qua đi buổi tối. Tôi gọi người bartender, và nhờ anh ta chọn một loại rượu bất kỳ. Anh lôi ra một chai rượu màu xanh rất nhạt, ở giữa chai ngâm một lá cỏ dài, rót cho tôi một ly.

Đó là một lá cỏ được hái ở rừng Bialowieza, một trong những khu rừng nguyên sinh cuối cùng của châu Âu. Người phục vụ, thay vì chọn một loại phổ biến và an toàn, muốn giới thiệu cho tôi về quê hương anh.

Tôi nhớ mình đã sung sướng thế nào khi cầm được một chai vodka được trang trí bởi Andy Warhol - một trong những họa sỹ pop art nổi tiếng nhất thế kỷ; hay là lần đầu tiên mở một chai whiskey từ đảo Islay và tìm thấy mảnh giấy kể câu chuyện của hòn đảo ấy. Tôi tất nhiên, cũng nhớ Bàu Đá, nếp cái hoa vàng làng Vân, hay là những chén rượu ngô người Mông. Bố vợ tôi không uống rượu, nhưng trong nhà hay có một chai rượu màu tím sậm. Màu tím ấy nói rằng quê ngoại của con trai tôi, là Quảng Ninh. Đó là một chai rượu ngâm củ ba kích.

cana brava rum

Nhưng càng thích rượu, tôi càng ghét nhậu: văn hóa nhậu của chúng ta phản bội chính thứ văn hóa tinh tế đằng sau những chai rượu.

Không cần phải giải thích quá nhiều về văn hóa nhậu ở nước ta. Tôi đã nếm trải nhiều: đến cuối những cuộc nhậu mềm môi, thì rượu nào cũng không quan trọng nữa. Uống cốt lấy say. Vì say thì mới “vui”.

Và tôi cũng đã từng ngộ độc. Hôm ấy, chúng tôi “nhậu” bằng rượu ông trưởng bản tự nấu. Tôi không nhớ mình đã uống bao nhiêu, nhưng đến một lúc, linh cảm thấy không ổn, tôi đi ra ngoài tự móc họng. “Hoàng cũng kém nhỉ” - một ai đó nói.

Sau cuộc ấy, tôi về xuôi và nằm hơn 2 ngày. Tôi may mắn vì đã tự móc họng. Và khi nhớ lại tình huống lúc ấy, nhớ lại thái độ của những người xung quanh khi tôi nôn, tôi tự hỏi: nguyên nhân của những cuộc ngộ độc, là bởi rượu, hay là bởi cách uống rượu?

Thỉnh thoảng, lại có một tốp người được cấp cứu vì ngộ độc methanol do uống rượu. Tuần trước 7 người, tuần này đã lại thấy 7 người nữa. Đó chỉ là những người được lên báo. Thủ tướng, cách đây 2 tuần, đã phải đứng lên chỉ đạo về tình trạng này. Nhưng khả năng của nhà chức trách chỉ là nhắm vào các cơ sở nấu và buôn bán rượu.

Đó có phải là cốt lõi vấn đề? Rượu, là một trong những thứ thực phẩm được tiêu thụ bất chấp nhất. Không thể kiểm soát việc buôn bán và sản xuất, vì điều này sẽ làm cho giá rượu tăng lên - trong khi nhu cầu được uống nhiều, cũng như uống rẻ thì rất cao. Nếu mỗi người chỉ hài lòng với đôi ba chén, thì chỗ đứng cho các lò rượu lậu sẽ ít đi. Tiếc là không.

Văn hóa uống “lấy say” khiến cho chất lượng rượu trở thành thứ yếu. Ở cuối những cuộc nhậu, thậm chí người ta hoàn toàn không thể phân biệt nổi một chai rượu giá 20 triệu và 20 nghìn.

Không phải ai cũng cảm thấy vui thú khi uống đến say. Luôn có những người cảm thấy miễn cưỡng trong một cuộc nhậu. Nhưng đôi lúc, người ta đánh cược với sức khỏe theo một lực đẩy của sự sĩ diện, đôi ba câu khích bác, đe nẹt.

Văn hóa nhậu thậm chí hình thành cả một chuỗi các kỹ thuật gây ức chế cho đối phương để ép uống - và những người làm chủ các kỹ thuật này đôi lúc tỏ ra rất tự hào.

Rất dễ để nói về những giải pháp chống lại cơn ác mộng methanol: kiểm soát việc sản xuất, buôn bán, dán tem, đánh thuế... Nhưng những điều này có thể khiến rượu trở thành một thứ xa xỉ, và chống lại cả một nền văn hóa “nhậu” đang phát triển rực rỡ. Thị trường sẽ tự tạo ra các lực vận động chống lại các biện pháp này. Rượu vẫn sẽ được nấu ở đâu đó, thành phần đầy hóa liệu vì lợi nhuận, đong vào những chiếc can nhựa, mua bán bằng những lời giới thiệu truyền khẩu tâm đắc, vì xã hội muốn có chúng. Thậm chí là nghiện chúng.

Nếu quy đổi tổng lượng cồn trong bia ra rượu 40 độ, và cộng với tổng lượng rượu, thì mỗi năm, chúng ta nâng khoảng 10 tỷ chén rượu 65 ml. Một con số tôi tạm tính dựa trên các thống kê có thể nhìn thấy. Làm sao kiểm soát được 10 tỷ chén rượu?

Những cuộc nhậu đôi khi trở thành bi kịch. Những thanh niên mù lòa, bị chảy máu não sau những chén đầy. Từ ngày 26/2 đến 14/3, chỉ riêng tại Hà Nội, đã có 3 người chết vì ngộ độc rượu.

Chống lại các nhà sản xuất vô lương tâm là một việc làm bức thiết. Nhưng rượu, khác với nhiều loại hàng hóa khác, đang được “chống lưng” bằng một động lực văn hóa cực mạnh.

Sẽ không bao giờ là thừa để lên án thứ “văn hóa nhậu” này, khi người vẫn chết, rượu vẫn phát triển không kiểm soát và người ta vẫn âm thầm cổ vũ cho nó bằng một thứ “sĩ diện đàn ông” vô hình nào đó.

Tôi đôi khi rất muốn nói thẳng với những người thích nhậu: họ mới là người không biết uống.

Nhà tôi có rất nhiều vỏ chai rỗng. Đủ nhãn mác. Đôi khi tôi ngồi nhẩn nha uống một mình nửa chai vodka. Nhưng tôi ghét nhậu. Ít nhất là cho đến khi "nhậu" trở thành một khái niệm khác với đa số hiện nay.

Đức Hoàng-VNEX

 

 

Rượu Kiến Nghiệp chuyên cung cấp rượu ngoại sỉ và lẻ toàn quốc!

Rượu bia không dành cho người dưới 18 tuổi và phụ nữ đang mang thai, uống rượu là không lái xe.

Tham Khảo Điều Khoản.

luaath rượu bia mới nhất


RƯỢU KIẾN NGHIỆP

Chăm sóc khách hàng 24/7: 0366882894 - 0908512280
Mail: [email protected]
Copyright © 2018. RuouKienNghiep.Com

Thiết kế bởi Thiết Kế Web Giá Rẻ